Gia Lai phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa góp phần giảm nghèo bền vững
Theo Kế hoạch số 15/KH-SCT do Sở Công thương Gia Lai ban hành ngày 28/2, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa phù hợp với phong tục tập quán và quy mô sản xuất của từng địa phương; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và với các vùng miền khác, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển thương mại trong nước và hội nhập quốc tế. Đảm bảo cán bộ quản lý, doanh nghiệp, thương nhân tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại.
Ngày 1/12/2022, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện Đức Cơ tổ chức Phiên chợ biên giới tại Bến xe Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã thu hút 60 gian hàng của tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) - (Ảnh: Vũ Thảo/GLO). . |
Sở Công thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai cơ chế chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Cùng với đó, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng địa bàn.
Cũng như, Sở Công thương chủ trì phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành liên quan, doanh nghiệp lựa chọn vị trí xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của 9 huyện có thế mạnh về xuất khẩu (Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê và Ia Grai).
Trong đó, tăng cường kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, chương trình kết nối giao thương giữa tỉnh Gia Lai và các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh thành trên cả nước... để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa và tìm kiếm đối tác, hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Các sản phẩm hàng hoá có xuất xứ Việt Nam; sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ẩm thực... tại Phiên chợ biên giới tại Bến xe Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - (Ảnh: Vũ Thảo/GLO). |
Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng của mình tham gia các Hội chợ, triển lãm thương mại, các chuỗi cung ứng thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước.
Còn đối với phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, tiến tới triển khai các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa của các thành phần kinh tế. Lồng ghép các nguồn lực, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hoặc góp vốn cùng các huyện để xây mới, nâng cấp, cải tạo xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn.