GDP quý 1/2023 tăng 3,32%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm sâu nhất hơn 10 năm
Ngân hàng Thế giới (WB): Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,3% năm 2023 Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13/3/2023 cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình. |
UOB dự báo lãi suất tái cấp vốn có thể điều chỉnh trong quý 2/2023 UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam và dự báo lãi suất tái cấp vốn có thể bị cắt giảm trong khoảng quý 2/2023. |
Sáng 29/3, thông tin tại họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý 1/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong khi đó, ở khu vực dịch vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực dịch vụ trong quý 1/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Cụ thể, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý 1/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Về sử dụng GDP quý 1/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý 1 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Tăng trưởng cả năm 6,5% là thách thức
Đánh giá về mức tăng trưởng GDP quý 1, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3,32%.
"Đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm", bà Hương nói.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bước sang quý 2/2023, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
"Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước", bà Hương nhìn nhận.
Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, các ngành, các cấp cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng...
Cùng với đó, cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.
Ngoài ra, cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024...
GDP quý II/2022 ước tăng cao nhất trong 10 năm Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra ngày 29/6, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, GDP quý II/2022 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm giai đoạn từ 2011-2021. |
GDP quý 3 tăng cao nhất trong vòng 12 năm qua Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng đã giúp GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. |