Gặp mặt đầu Xuân ở Séc: “Thiêng liêng hai tiếng đồng bào”
Người Việt tại CH Séc tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc rải rác từ đầu đến gần cuối tháng 2/2018, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
Hoạt cảnh Mẹ Âu Cơ và Bọc trăm trứng
“Tết sớm” là những cuộc gặp mặt tổ chức trước ngày tiễn ông Công ông Táo lên trời. “Tết muộn” là những cuộc gặp mặt được tổ chức sau mồng Một Tết. Điều đáng nói là không một chi hội nào thuộc Hội Người Việt Nam tại CH Séc cùng các tổ chức đoàn thể khác như các hội đồng hương, câu lạc bộ phụ nữ… không tổ chức Tết cộng đồng, chỉ khác nhau ở quy mô và hình thức.
Đầu Xuân năm nay Chi hội Người Việt Nam tại thành phố Chomutov tổ chức cuộc gặp mặt với chủ đề Mẹ Âu Cơ và Bọc trăm trứng nhằm tôn vinh tình cảm đồng bào thiêng liêng của người Việt. Hơn 700 người thuộc mọi lứa tuổi có mặt tại Nhà hát Thành phố, trong đó có gần 100 đại diện chính quyền và người dân địa phương. Điều này thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa cộng đồng người Việt với người Séc tại thành phố.
Đông đảo người tham gia buổi gặp mặt
Chủ đề xuyên suốt tại cuộc gặp mặt đầu Xuân của cộng đồng người Việt ở Chomutov là “thiêng liêng hai tiếng đồng bào”. Mở đầu là hoạt cảnh Mẹ Âu Cơ và Bọc trăm trứng dựa theo truyền thuyết Cha Lạc Long Quân đưa 50 người con trai xuống biển và Mẹ Âu Cơ đưa 50 người con trai lên núi. Theo Ban tổ chức, “đồng bào” là hai tiếng vô cùng thiêng liêng, xuất phát từ truyền thuyết Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Và đó là nguồn gốc dân tộc Việt. Hai tiếng đồng bào đi sâu vào trong tâm hồn của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử trường tồn dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người Việt sống xa Tổ quốc càng cảm nhận rõ hơn tình nghĩa đồng bào máu thịt.
Ban tổ chức xây dựng chủ đề “Thiêng liêng hai tiếng đồng bào” trong cuộc gặp mặt đầu Xuân Mậu Tuất 2018 ở Chomutov là để truyền tới thế hệ người Việt trẻ được sinh ra và lớn lên ở CH Séc tinh thần cốt nhục gắn bó giữa người Việt với nhau. Con em người Việt dù được hưởng nền giáo dục châu Âu thì cũng phải luôn nhớ tới gốc gác của mình, hiểu được những điều gửi gắm trong truyền thuyết về Mẹ Âu Cơ và Bọc trăm trứng. Truyền thuyết về gốc gác dân tộc Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Séc là để người dân bản địa hiểu vì sao cộng đồng người Việt luôn gắn bó, đoàn kết với nhau, vì sao trong tiếng Việt có từ “đồng bào” đầy tính nhân văn sâu sắc.
Các thiếu nữ Séc và Việt trình diễn trang phuc áo dài Việt Nam
Buổi gặp mặt đầu Xuân ở Chomutov cũng là dịp để cộng đồng người Việt thêm gắn bó với nhau. Đây cũng là dịp để người Việt và người Séc hiểu nhau hơn, có cái nhìn thân thiện với nhau hơn trong cuộc sống. Cả người Việt lẫn người Séc trong cuộc gặp mặt đều hứng thú thưởng thức các món ăn cổ truyền trong ngày Tết của Việt Nam cũng như các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn thấm đẫm tính dân tộc do các thành viên của Câu lạc bộ Phụ nữ Chumotov vá các cháu thiếu nhi biểu diễn.
Tiết mục múa của các cháu thiếu nhi
Chomutov nằm ở phía Tây Bắc CH Séc, giáp với CHLB Đức, thuộc tỉnh Usti (U-xơ-chí), cách Praha hơn 100 km, có khoảng 52.000 người dân sinh sống. Tại đây có cộng đồng người Việt sống đoàn kết với nhau và hòa thuận với người dân bản địa.