Gần 200 nước ký cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Các quốc gia đạt được thỏa thuận, trong đó có 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, chia thành 3 nhóm với các thời hạn khác nhau, cam kết giảm việc sử dụng các loại khí công nghiệp hydroflourocarbon (HFC), vốn độc hại hơn carbon dioxide (CO) 10.000 lần.
Cụ thể, các nước phát triển, trong đó có nhiều nước châu Âu và Mỹ, sẽ từng bước cắt giảm việc sử dụng các chất khí. Tiến trình này sẽ bắt đầu vào năm 2019, mới mức cắt giảm là 10%, sau đó sẽ đạt 85% vào năm 2036.
Hãng tin Reuters cho hay: nhiều quốc gia thịnh vượng cũng đã bắt đầu giảm thiểu việc sử dụng các loại khí HFC trước khi đạt được thỏa thuận hôm 15/10.
Trong khi đó, các nước đang phát triển được chia thành 2 nhóm, và sẽ lần lượt giữ nguyên mức sử dụng khí công nghiệp HFC vào năm 2024 và 2028, rồi sau đó giảm dần. Ấn Độ, Iran, Iraq, Pakistan và các nước Vùng Vịnh sẽ là các nước thực hiện thỏa thuận sau cùng.
Được biết, nhóm các quốc gia nói trên từ chối thực hiện sớm, do tầng lớp trung lưu của những nước này đang gia tăng nhanh chóng, và những người thuộc tầng lớp nói trên muốn sử dụng điều hòa không khí.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại hội nghị ở Thủ đô Kigali (Rwanda) hôm 14/10. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu sau khi thỏa thuận được thông qua, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Erik Solheim cho biết: "Năm ngoái, tại Paris, chúng tôi hứa sẽ giữ cho thế giới an toàn khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện theo lời hứa đó".
"Đây (thỏa thuận) là một bước tiến vĩ đại" - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết sau khi khi kết thúc hội đàm về việc thông qua thỏa thuận, diễn ra tại Thủ đô Kigali (Rwanda) hôm 14/10.
Thỏa thuận ràng buộc 197 quốc gia cùng áp dụng các biện pháp để giúp chống lại biến đổi khí hậu. Tuần trước, Hiệp định Paris năm 2015 về việc kiềm chế lượng khí thải công nghiệp (COP 21) đã bắt đầu có hiệu lực sau khi được Ấn Độ, Canada và Nghị viện châu Âu thông qua.
Tuy nhiên, không giống như hiệp định nói trên, thỏa thuận Kigali có tính ràng buộc về mặt pháp lý, có lịch trình cụ thể và theo đó các nước giàu có cam kết sẽ giúp đỡ các nước nghèo, tùy thuộc vào trình độ công nghệ của họ.
Theo các nhà khoa học, việc nhanh chóng cắt giảm các loại khí HFC có đóng góp to lớn vào mục tiêu kìm hãm biến đổi khí hậu, giúp nhiệt độ trung bình của thế giới giảm đi khoảng 0,5 độ C vào năm 2100.
Trọng Sang