‘Gái miền Tây lấy chồng Hàn mong đổi đời’: Một thời sắp xa?
Đoàn Bảo Châu Cán bộ truyền thông Đoàn Bảo Châu hiện phụ trách truyền thông tại Room to Read, một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ em tại Việt Nam. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Truyền thông quốc tế tại Unitec Institute of Technology (New Zealand). Đoàn Bảo Châu có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông - báo chí. |
Hơn mười năm trước, năm 2008, chưa cần đợi xảy ra các vụ chồng Hàn bạo hành vợ Việt xảy ra, dư luận đã có cái nhìn khá hằn học với làn sóng phụ nữ miền Tây lấy chồng Hàn Quốc: “Do ham tiền nên đi”.
Thời điểm đó, tôi mới vào năm đầu đại học ở Sài Gòn. Trước những lời chọc ghẹo và định kiến thường thấy nhắm vào “gái miền Tây”, cô bạn quê Bến Tre đã đưa ra lời giải thích mà cho đến giờ tôi vẫn không quên được: “Thì tụi tui lấy chồng nước ngoài có gì sai? Ở dưới quê, mở mắt ra là biết lấy chồng quê mình nó như thế nào rồi, không nhậu nhẹt cũng bài bạc, rồi đánh vợ đập con. Lấy chồng nước ngoài có tệ thì cũng mức đó, hên thì đổi đời, cũng đáng thử chứ!”
Từ lúc đó, tôi đã hiểu không ai lại muốn rời bỏ quê hương với cha mẹ anh em thân thiết đến một xứ lạ, nếu cuộc đời của họ ở đó có lối thoát. Nhiều cô gái chỉ muốn có một cuộc đời khác tươi sáng hơn, nhưng gần như không biết cách nào khác ngoài bám vào "phao cứu sinh" mang tên "lấy chồng nước ngoài".
Họ chỉ muốn có một cuộc đời khác tươi sáng hơn; nhưng gần như không biết cách nào khác ngoài bám vào chiếc phao cứu sinh là lấy chồng nước ngoài. |
Trong nghiên cứu đầu tiên về vấn đề phụ nữ Việt Nam nhập cư vào Hàn Quốc theo diện kết hôn công bố năm 2007, Giáo sư Kim Hyun-jae của Đại học Youngsan University cũng chỉ ra vai trò quan trọng của yếu tố kinh tế trong những mối quan hệ này.
Và những hệ luỵ của việc lấy chồng Hàn bất chấp việc không có tình yêu là tất yếu. Mới đây, thông tin một cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc đánh đập tàn nhẫn trước mặt con - một đứa bé chỉ mới 2 tuổi - lại làm dư luận rúng động. Mục đích của các cuộc hôn nhân dị chủng lại một lần nữa được mang ra tranh luận.
Bạn tôi đã thừa nhận có tư tưởng “lấy chồng ngoại để mong đổi đời”, và chắc chắn cô không phải là người duy nhất của thế hệ mình có quan điểm này.
Thế nhưng, đó là câu chuyện của những millennials (thế hệ Y - Gen Y, sinh vào giai đoạn 1981 - 1996), thời mà làn sóng ngoại mới ào ạt đổ vào Việt Nam mang theo quá nhiều choáng ngợp.
Chúng ta quên mất rằng thế hệ tiếp theo (Gen Z, sinh từ năm 1997 trở về sau) đang bước vào giai đoạn trưởng thành. Họ lớn lên và được nuôi dưỡng trong một môi trường kinh tế xã hội rất khác và vì thế, có những nhân sinh quan cũng rất khác.
Các bạn nữ Gen Z ở miền Tây cũng không ngoại lệ. Và đương nhiên, cách họ nhìn nhận làm thế nào để thoát khỏi vòng tuần hoàn của nghèo đói cũng khác thế hệ trước.
“Vì sao phụ nữ phải sống trong sợ hãi?”
Hơn 10 năm sau cuộc trò chuyện với cô bạn Bến Tre, tôi có cơ hội làm việc với các nữ sinh ở miền Tây trong vai trò cán bộ truyền thông của Room to Read - một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ em tại Việt Nam. Tiếp xúc với các cô gái tuổi 17 - 18, tôi nhận ra một điều quý giá: Các em giờ đã hiểu được để thoát khỏi vòng tuần hoàn của nghèo đói, giải pháp tối ưu là nỗ lực tự thân.
Với câu hỏi “Học xong cấp 3, em làm gì?”, câu trả lời của các em thật phong phú và rộng mở. Không phải em nào cũng mơ học đại học hay du học như trẻ ở thành thị vì hoàn cảnh gia đình không phải là quá xông xênh. Nhưng ít nhất, việc phụ thuộc vào một người chồng giàu có đã nhạt nhòa đi nhiều trong giấc mơ của các em.
Tựu trung lại, các câu trả lời đều cho thấy những dự tính học hành, nghề nghiệp rõ ràng, cụ thể và hướng đến một mục tiêu: Các em muốn độc lập về tài chính, bước đi vững vàng trên đôi chân của chính mình.
Để thoát khỏi vòng tuần hoàn của nghèo đói, giải pháp tối ưu là nỗ lực tự thân. |
Ngay cả giấc mơ xuất ngoại cũng có một sự dịch chuyển thật thú vị.
Thay vì nghĩ đến việc lấy chồng ngoại, nhiều em đã quyết định nộp đơn vào các chương trình xuất khẩu lao động tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, thật sự “sôi kinh nấu sử” trong các lớp học tiếng Nhật, tiếng Hàn và quyết tâm có một công việc ổn định, chuyên nghiệp ở xứ người về sau.
Không chỉ thay đổi hướng đi trong lựa chọn nghề nghiệp, tư duy phản biện vấn đề của những cô bé này không hề thua kém ai.
Trước một lời khuyên giả định: “Con gái nên ở trong nhà, đừng đi ra ngoài ban đêm vì sẽ dễ bị những con yêu râu xanh chú ý và xâm hại”, một em nữ đã đặt ngược lại ngay vấn đề: “Vì sao phụ nữ là người yếu thế, là nạn nhân thì phải sống trong sợ hãi, phòng thủ và ru rú ở nhà? Tại sao không quản lý và có biện pháp trừng phạt những người quấy rối đích đáng để răn đe những người khác trong xã hội?”.
Các em cũng nhìn nhận được tốt hơn về vai trò của giáo dục với phụ nữ và hiểu rõ tác hại của việc lấy chồng sớm. Đinh Thị Kim Thùy (sinh viên năm nhất ĐH Cần Thơ) cho biết: “Các bạn bằng tuổi em, lớp 9 lên lớp 10 là nghỉ học nhiều, lấy chồng rồi có 1 - 2 đứa con, không phải ai cũng sướng, có khi phải mang con theo đi làm thuê làm mướn".
Thuỳ kết luận: "Ngay cả khi không có học bổng nào hỗ trợ, em cũng phải bằng mọi giá học lên, vì em nghĩ chỉ có vậy thì mới thấy được lối thoát cho đời mình, để không còn vất vả cực nhọc như cha mẹ hồi trước”.
Thoát khỏi khuôn mẫu
Vì đâu có được những thay đổi này?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giá trị mà Gen Z tìm kiếm nằm ở việc được tự do là chính mình, được thoả sức sáng tạo, được tự thân quyết định con đường mình đi chứ không phải là một phần của khuôn mẫu được định sẵn nào đó.
Đối với thế hệ này, họ thấy mình không có áp lực tài chính hay hối thúc phải có nhà, sắm xe. Gen Z thực sự tin tưởng vào slogan “không gì là không thể”.
Gen Z có ước mơ mãnh liệt được theo đuổi một lý tưởng nào đó như môi trường, bình đẳng giới hay công bằng xã hội. Khác với các thế hệ trước, Gen Z có xu hướng định danh bản sắc của mình qua những dự án xã hội cụ thể phục vụ cho lý tưởng đó.
Gen Z ở Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tiếp xúc với các em gái miền Tây, tôi cũng nhận ra việc chứng kiến câu chuyện khốn khổ của các cô dâu Việt xung quanh mình cũng như cuộc sống của những cô giáo, người mẹ, người chị - với tất cả những thua thiệt, khổ đau và vất vả trong một xã hội đậm màu bất bình đẳng giới - đã giúp các em dần thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ.
Việc chứng kiến câu chuyện khốn khổ của các cô dâu Việt xung quanh mình cũng như cuộc sống của những cô giáo, người mẹ, người chị đã giúp các em dần thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ. |
Đọc thông tin về việc cô dâu Việt bị bạo hành mới đây, cũng như mọi người, Trương Khánh Nguyên (sinh viên năm nhất ĐH Cần Thơ) không tránh được cảm giá xót xa vì “chị ấy vì đã có một người chồng không hề xứng đáng”.
Thế nhưng, đối với Nguyên, không phải vì những vụ việc như thế mà cái nhìn của em về hôn nhân và lấy chồng nước ngoài bị ảnh hưởng bởi định kiến.
“Vấn đề quan trọng là cần lựa chọn cuộc hôn nhân này với suy nghĩ chín chắn, trang bị đầy đủ cách bảo vệ mình, không phải chỉ hùa theo, ai đi mình cũng đi, hoặc lấy chồng vì tiền bạc đơn thuần, không có tình yêu”, Nguyên nói với tôi.
Những nữ sinh có được suy nghĩ chín chắn và ước mơ rõ ràng như Nguyên thật ra vẫn chưa phải là số nhiều. Trong khi đó, Gen Z hiện nay chiếm khoảng 1/7 dân số Việt Nam, tức trên 14 triệu người.
Nhưng ít ra, đã bắt đầu có những tia hy vọng nhỏ.
Xem thêm:
Cần ngăn ngừa bạo lực gia đình tái diễn sau vụ cô dâu Việt bị bạo hành Về vụ việc một người đàn ông Hàn Quốc tại quận Yeonan, tỉnh Cheonman hành hung dã man vợ người Việt, Đại sứ quán Việt Nam tại ... |
Tại sao có tục mẹ cô dâu kiêng không đi đưa dâu? Tục lệ mẹ cô dâu kiêng không đưa dâu đã có từ rất lâu đời, từ thời phong kiến. Cho đến ngày nay, nhiều địa ... |
Hàn Quốc thông tin "vụ cô dâu Việt bị chồng bạo hành" với Bộ trưởng Tô Lâm Cảnh sát trưởng Hàn Quốc trong buổi làm việc với Bộ trưởng Công an Việt Nam hôm 8/7 đã lấy làm tiếc về một vụ ... |