Four Paws giải cứu 3 gấu ngựa bị nuôi nhốt suốt 20 năm
Trung tâm cứu hộ gấu lớn nhất thuộc tỉnh nào ở Việt Nam? Four Paws "cứu" gấu đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam Clip: Tưởng nói đùa, không ngờ nam du khách nổ súng AK, giết chết gấu ngựa quý hiếm |
FOUR PAWS giải cứu 3 cá thể gấu ngựa ở Bình Dương bị nuôi nhốt suốt 20 năm. Ảnh do tổ chức cung cấp |
Các cá thể gấu đã được di chuyển vượt qua chặng đường dài 1,600km về đến Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình – mái nhà an toàn với môi trường sống bán hoang dã phù hợp với loài có thể giúp các cá thể gấu chữa lành bệnh tật từ thể chất đến tinh thần và phục hồi các tập tính tự nhiên của loài. Cứ 2 tiếng 1 lần, đoàn xe của đội cứu hộ và các bác sĩ thú y đã dừng để kiểm tra sức khỏe, cho gấu ăn và uống nước cũng như tránh đi trên đường lúc nắng nóng đỉnh điểm để đảm bảo sức khỏe của các bạn gấu và cả đội cứu hộ.
Cuộc giải cứu đã diễn ra thành công nhờ công tác chuẩn bị kỹ càng cũng như nỗ lực rất lớn của từng thành viên đội cứu hộ. Các phương tiện vận chuyển gồm 1 xe tải lớn và 1 xe buýt mang theo chuồng vận chuyển và các thiết bị cần thiết đã rời Ninh Bình từ ngày 14/5 và có mặt tại Bình Dương vào chiều ngày 16/5 để sẵn sàng tiếp nhận 3 cá thể gấu ngựa cái Lê, Chuối và Táo sau 20 năm bị nuôi nhốt trong một cơ sở nuôi gấu ở tỉnh Bình Dương.
Ba cá thể gấu đã được bàn giao cho đội cứu hộ của Four Paws vào ngày 17/5 sau khi chủ nuôi tự nguyện trao trả gấu cho nhà nước.
Chiếc chuồng nuôi rộng 18 mét vuông nơi cả 3 chú gấu sống trong 20 năm. |
Rất may mắn cả ba bạn đã tự đi vào chuồng vận chuyển dù còn chút e rè, các bác sĩ thú y không phải gây mê. |
Không ai biết rõ nguồn gốc của 3 cá thể này, chỉ biết chúng bị vận chuyển từ Campuchia sang Việt Nam trong giai đoạn 1998-1999 khi còn là gấu con. Kể từ đó đến nay, 3 cá thể gấu Lê, Chuối và Táo được người chủ nuôi giữ chung trong cùng một chuồng nuôi rộng 18 mét vuông trong suốt 20 năm.
Theo kế hoạch ban đầu, đội cứu hộ cố gắng đưa 1 đến 2 cá thể gấu tự bước vào chuồng vận chuyển và các cá thể gấu còn lại sẽ được gây mê và tiến hành kiểm tra sức khỏe ngay tại chỗ. Đội cứu hộ đã có sự khởi đầu suôn sẻ khi gọi gấu Lê tự đi vào chuồng dễ dàng nhờ táo và mật ong. Gấu Chuối cũng được cứu hộ ngay sau đó bằng cách này. Đối với gấu Táo, đội cứu hộ đã gặp khó khăn khi Táo tỏ ra rụt rè hơn so với hai bạn của mình. Nhờ sự giúp đỡ của người vẫn thường chăm sóc gấu tại cơ sở nuôi này, Táo đã tự nguyện bước vào chuồng vận chuyển.
Buổi giải cứu ngày 17/5 đã diễn ra thành công ngoài mong đợi khi đội cứu hộ đã đưa được cả 3 cá thể gấu vào chuồng vận chuyển mà không cần sử dụng liệu pháp gây mê.
Theo đánh giá ban đầu của bác sĩ thú y, tiến sĩ Johanna Painer, hai cá thể gấu Lê và Táo được cứu hộ trong tình trạng khỏe mạnh và háu ăn. Cá thể gấu Chuối gặp vấn đề về bệnh ngoài da, lông rụng nhiều, da có biểu hiện mẩn đỏ và ngứa.
Sau khi về đến Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình ngày 19/5, các bác sĩ thú y của Four Paws Việt đã tiến hành khám sức khỏe tổng thể cho cả 3 cá thể. Kết quả thăm khám cho thấy túi mật có nhiều vết sẹo và bị viêm túi mật cho thấy từng bị chích hút mật nhiều lần, răng có nhiều mảng bám do chế độ dinh dưỡng không phù hợp, phần lưng sau bị căng cứng không thể duỗi bình thường do ít vận động và ngồi nhiều, bị béo phì và nghi bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đội cứu hộ Four Paws đưa cá thể gấu lên xe. |
Các cá thể gấu đã được đưa vào khu vực cách ly và sẽ được theo dõi trong ba tuần. Thời gian này gấu được chăm sóc y tế đặc biệt và được tập làm quen với môi trường sống gần với tự nhiên trước khi được thả vào các khu vực bán hoang dã để phục hồi bản năng tự nhiên của loài. Hầu hết các gấu được cứu hộ về là những các thể gấu đã bị nuôi nhốt trong thời gian dài, đã quá phụ thuộc vào con người nên khi thả về tự nhiên, gấu có xu hướng tìm về con người để kiếm ăn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với con người và cho cá thể gấu đó.
Chia sẻ về công tác cứu hộ gấu, bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã nước Việt cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về việc chủ nuôi gấu tự nguyện bàn giao gấu cho nhà nước từ cơ quan kiểm lâm, chúng tôi cần thời gian từ 3 đến 4 tuần để chuẩn bị cho một chuyến cứu hộ. Đầu tiên, nhóm chuyên gia của Four Paws Viet, bao gồm bác sĩ thú y và quản lý động vật sẽ đi thăm tiền trạm cơ sở nuôi gấu để đánh giá tình hình sức khỏe các cá thể gấu và các điều kiện liên quan để lên phương án cứu hộ phù hợp. Song song với hoạt động này là công tác chuẩn bị hậu cần và thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết.”
Thành công của chuyến cứu hộ là kết quả của sự vào cuộc và hỗ trợ không thể thiếu của cơ quan kiểm lâm tỉnh Bình Dương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong liên minh các tổ chức bảo vệ gấu, bao gồm Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) trong việc vận động các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các cơ sở cứu hộ và chăm sóc đủ tiêu chuẩn.
Four Paws đang chạy đua với thời gian để cứu hộ các các thể gấu còn bị nuôi nhốt trong nỗ lực chung nhằm chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Hiện nay còn gần 800 cá thể gấu – chủ yếu là gấu ngựa – đang bị nuôi nhốt trong điều kiện sống tồi tệ và thiếu thốn tại gần 250 trang trại gấu tư nhân trên khắp cả nước. Các cá thể gấu này bị suy dinh dưỡng, bị bỏ bê chăm sóc và có nguy cơ bị chết trước khi được đưa đến những nơi ở an toàn, phù hợp với tập tính loài gấu như Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình./.
Xem thêm
Four Paws khánh thành cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình rộng 10ha Cơ sở sẽ là nơi tiếp nhận và chăm sóc các cá thể gấu bị nuôi nhốt chích mật, nạn nhân của nạn buôn bán ... |
Quả gấc tốt hơn cả mật gấu Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, quả gấc có tác dụng trong điều trị và phòng ngừa nhiều loại bệnh. Đặc biệt, nó còn được ... |
Chấm dứt sử dụng mật gấu trong Đông y vào năm 2020 Theo bản ký kết giữa Tổ chức Động vật Châu Á và T.Ư Hội Đông y Việt Nam thì tới năm 2020 sẽ không còn ... |