EVNGENCO1 đã chuẩn bị sản xuất điện cho năm 2024 ở mức tốt nhất
-Xin ông cho biết khái quát kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm của EVNGENCO1?
-Riêng tháng 9/2023 EVNGENCO1 sản xuất được 2.227 triệu kWh điện, còn lũy kế 9 tháng đầu năm là 24.016 triệu kWh, đạt 97,7% kế hoạch được giao và cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (101,5%).
Đó là sản lượng, còn về đầu tư xây dựng thì các dự án đang được chúng tôi triển khai đều theo sát tiến độ được giao. Tính đến hết tháng 9, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng và giá trị giải ngân của EVNGENCO1 đạt 86% kế hoạch năm 2023. Cùng với đó, EVNGENCO1 tiếp tục tiến hành khảo sát, làm việc với các địa phương để tìm kiếm dự án đầu tư nguồn điện mới, trong đó ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi.
Ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNGENCO1 |
-2023 là một năm có thể nói là “bão tố” với EVN khi xảy ra thiếu điện tại miền Bắc, theo ông, nguyên nhân là do đâu?
-Đã có nhiều đánh giá, lý giải về thực tế đáng tiếc này, có cả chủ quan lẫn khách quan. Theo cá nhân tôi thì có mấy nguyên nhân chính yếu sau. Thứ nhất là El Nino khiến thời tiết rơi vào trạng thái rất cực đoan, thứ 2 là cùng trong quãng thời gian đó xảy ra loạt sự cố với nhiều nhà máy nhiệt điện làm tổng công suất bị ảnh hưởng lên đến khoảng 5000 MW. Thêm nữa là việc những dự án truyền tải điện trong miền Nam ra vẫn đang trong quá trình thực hiện. Tất cả những nguyên nhân cơ bản đó xảy ra vào cùng một khoảng thời gian nên dẫn tới tình trạng thiếu điện cục bộ vừa qua.
-Trong thời gian đó EVNGENCO1 hoạt động ra sao, thưa ông?
-Chúng tôi nỗ lực làm tốt nhất những gì có thể để cung ứng điện ở mức tối đa.
-Rút kinh nghiệm từ năm nay, EVNGENCO1 chuẩn bị công tác cung ứng điện cho năm 2024 thế nào, thưa ông?
-Có mấy việc chính, đầu tiên là EVNGENCO1 tính toán rất chi tiết để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện. Các công việc như ký kết hợp đồng mua than, dự trữ nguyên liệu theo yêu cầu mới…đều được EVNGENCO1 thực hiện kỹ lưỡng, bài bản làm sao vừa tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo dự phòng. Thứ 2 là công tác bảo dưỡng, sửa chữa trung đại tu được các nhà máy của EVNGENCO1 đều được lên kế hoạch và triển khai từ sớm nhằm mục đích bảo đảm sản xuất, vận hành ổn định trong năm tới, kể cả trong thời điểm nắng nóng, phụ tải tăng cao.
-Nhìn rộng ra, thưa ông, cần làm gì để năm 2024 hạn chế rủi ro thiếu điện?
-Tôi cho rằng trong năm tới dưới sự điều hành của Bộ Công thương, EVN và các đơn vị thành viên sẽ chủ động hơn trên nhiều phương diện. Nhìn chung thì thuỷ điện sẽ đảm bảo mực nước an toàn cho sản xuất điện, nguyên nhiên liệu cho nhiệt điện được tính toán dự phòng phù hợp…những giải pháp này sẽ đảm bảo an ninh năng lượng điện cho năm 2024. Bên cạnh đó, trong khi các dự án nguồn và truyền tải mới vẫn đang trong quá trình xây dựng thì chúng ta vẫn cần đẩy mạnh mua điện từ Lào, Trung Quốc. Cuối cùng, một giải pháp rất quan trọng là tiết kiệm điện. Đây là nội dung phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc dù điện có thiếu hay không.
-Ông vừa đề cập đến việc các dự án mới đang được xây dựng, thực tế vừa qua có tình trạng là số lượng các dự án nguồn được khởi công rất ít, và một trong những nguyên nhân là do thủ tục, quy trình mất rất nhiều thời gian khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng sử dụng điện, giải pháp cấp thiết trước mắt là gì, thưa ông?
-Điều cần thiết ở đây, vào thời điểm này là một cơ chế đặc thù để thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Chúng ta không phải không có tiền lệ, trước đây đã có Quyết định 1195 (quyết định về việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách giai đoạn 2006-2010 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành vào tháng 11/2005). Trên thực tế cơ chế này cho phép chủ đầu tư được chủ động trên một số nội dung quan trọng, và qua đó tạo cú huých rất tích cực đối với việc xây dựng các nhà máy điện.
Tất nhiên là bối cảnh khi đó khác, bây giờ khác, sau chừng ấy năm khung thể chế và luật pháp cũng có nhiều thay đổi nhưng điều tôi muốn nói là tinh thần của QĐ1195 vẫn còn đó, và trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta cần xây dựng 1 cơ chế thích hợp để làm sao các dự án có thể rút ngắn tối đa thời gian thực hiện. Song song với đó là xem xét về giá điện với mục tiêu là để các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế thấy hợp lý về lợi nhuận. Có như vậy thì ngành điện mới có thể theo kịp nhu cầu tăng trưởng kinh tế của đất nước hiện nay.
-Trân trọng cảm ơn ông!