EU dùng lạt mềm buộc chặt với Hy Lạp
Hy Lạp không thể thoát tay chủ nợ
Chính quyền mới vừa đắc cử tại Hy Lạp có một loạt các động thái nhằm nới lỏng chính sách kham khổ và đàm phán để được xóa nợ, bất chấp việc họ có còn ở trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nữa hay không.
Đặc biệt Athens tuyên bố sẽ không vay thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào dù cho lãi xuất thấp hay các thỏa thuận trả nợ được nới lỏng, đã chứng tỏ quyết tâm gây sức ép của Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế.
Hành động này của Hy Lạp đã khiến châu Âu bắt đầu có những toan tính riêng. Dù thế nào, bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không để mất tiền của mình khi con nợ bắt đầu có những hành động chống đối.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tới Brusel (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, EU sẵn sàng đáp ứng một số chính sách nhất định của Hy Lạp.
Hy Lạp đang đương đầu với EU trong việc đàm phán về các khoản nợ khổng lồ của họ.
Tuy nhiên, ông Juncker cũng khẳng định khu vực sẽ không thay đổi mọi qui tắc để làm hài lòng Chính phủ chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Juncker cũng để ngỏ sẽ có sự linh hoạt hơn để phù hợp với "hiện trạng mới" tại quốc gia này.
Thực tế thì Hy Lạp không cố gắng để các chủ nợ xóa toàn bộ các khoản nợ cũ. Athens đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận mới nhằm giảm một phần nợ và đề xuất hoán đổi nợ thành trái phiếu chính phủ gắn với tăng trưởng.
Thủ tướng Alexis Tsipras cùng Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đang thực hiện chuyến thăm tới một loạt nước châu Âu, kêu gọi sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán giảm nợ của quốc gia này với các chủ nợ quốc tế.
Tuy nhiên, Hy Lạp cũng có những liên hệ với khối BRICS (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil, Nam Phi) để tìm kiếm một cơ hội mới về các khoản vay nhằm phục hồi đất nước nếu nguy cơ vỡ nợ của họ thành hiện thực.
Với việc điều chỉnh một số nguyên tắc nhằm xoa dịu Athens, khiến quốc gia này ngoan ngoãn trở lại với hiện trạng kéo cày trả nợ, EU đang từng bước tiếp tục không để cho Hy Lạp thoát khỏi vòng tay của mình.
Hy Lạp là tiền lệ xấu cho các con nợ
Một vấn đề khác đặt ra, nếu EU không giải quyết một cách hiệu quả vấn đề của Hy Lạp, đây sẽ là một kinh nghiệm để cho các con nợ khác của bộ ba chủ nợ học tập, mà trong đó cần kể đến các cái tên như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ...
Vấn đề Hy Lạp đang thực sự là một mồi lửa thổi bùng lên những phản ứng ở hàng loạt các quốc gia thành viên khác vốn cũng đang kiên nhẫn chịu đựng cuộc sống khó khăn do thắt chặt chi tiêu. Tây Ban Nha đang là nước đầu tiên hưởng ứng cho yêu cầu nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp là người khởi xướng.
Theo đó, đã có những tiếng nói kêu gọi người dân Tây Ban Nha hãy hành động theo gương người dân Hy Lạp, mà cụ thể là đảng Podemos, đảng đang kỳ vọng có thể đạt được thành công giống như đảng Syriza ở Hy Lạp trong cuộc bầu cử quốc gia Tây Ban Nha vào cuối năm nay.
Ngày 1/12, Lãnh đạo đảng Podemos - ông Pablo Iglesias tuyên bố, làn gió của sự thay đổi đang bắt đầu thổi tại châu Âu, với sự khởi đầu là Hy Lạp và Tây Ban Nha, khi hơn 100.000 người đã đổ ra các đường phố tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, thể hiện sự ủng hộ với đảng Podemos, chủ trương chống “thắt lưng buộc bụng”.
“Vết dầu loang” Hy Lạp có thể sẽ mở ra xu thế các đảng đối lập chiến thắng trong cuộc đua quyền lực ở châu Âu. Một điều đang trở nên rõ ràng rằng Ủy ban châu Âu có thể sẽ phải chứng kiến sự gia tăng “những gương mặt mới” mà những thành viên chủ chốt không mong muốn.
Khi đó, EU chỉ có thể lựa chọn một trong hai con đường, một là chấp nhận nhượng bộ đồng nghĩa với chính sách kinh tế vĩ mô của EU sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn thứ hai là chấp nhận để một lượng không nhỏ các nước thành viên rời khỏi khu vực đồng tiền chung, đồng nghĩa với một thảm họa thực sự.
Khi đối diện với thảm họa này, sức mạnh nội tại của EU sẽ suy yếu. Và EU sẽ không còn là một cộng đồng chung lý tưởng như ban đầu. Một khi mục đích được đề ra không còn, các nước còn lại trong khu vực lúc bấy giờ sẽ nhanh chóng tan đàn sẻ nghé, dẫn đến việc sụp đổ của cả một cán cân thế lực trên thế giới.
Chưa dừng ở đó, nếu Hy Lạp rời khỏi eurozone, kết hợp với các bất ổn hiện tại mà EU đang hứng chịu: đối đầu với Nga ở khủng hoảng Ukraine, nguy cơ khủng bố, tham chiến chống IS... chỉ khẳng định châu Âu ngày càng hỗn loạn.
Và môi trường không an toàn đó chỉ đảm bảo một điều duy nhất chắc chắn, đó là sự tháo chạy của các nhà đầu tư. Nền tảng kinh tế vốn chưa khôi phục từ sau khủng hoảng nợ công đến nay sẽ sớm chịu những tác động khổng lồ.
Giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề Hy Lạp là bài toán khó, nhưng buộc phải giải đối với các nhà chính trị của EU lúc này.
(Báo Đất Việt)