EIB hỗ trợ Hà Nội xây dựng đường sắt đô thị
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) Jonathan Taylor. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị)
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch EIB bày tỏ vinh dự khi lần đầu tới thăm Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Jonathan Taylor đã đi thực địa dự án đường sắt số 3, một trong những dự án (DA) mà EIB đầu tư và cũng phấn khởi trước kế hoạch mở rộng của dự án trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Jonathan Taylor, Hà Nội là một trong những đô thị thành công với tốc độ tăng trưởng nhanh. Việc nâng cấp hệ thống đường sắt đô thị là một trong những nhiệm vụ cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã thông tin, theo kế hoạch phát triển giao thông đô thị sắp tới, Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 410km, trong đó có 350km nổi và gần 70km thi công ngầm. Hiện, Hà Nội đang thi công 2 tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 2A và tuyến số 3. Giai đoạn 1 của tuyến số 3 đang được triển khai với chiều dài 15km, trong đó có 4km ngầm, sử dụng vốn ODA từ nhiều quốc gia, trong đó có Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Công trường thi công Tuyến đường sắt đô thị số 3. (Ảnh : V.H)
Song song với phát triển hạ tầng giao thông, thành phố cũng xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Theo đó, đến năm 2030, thành phố sẽ dừng toàn bộ xe máy trong khu vực nội đô và tập trung phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt.
Tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư châu Âu ký hiệp định bổ sung cho dự án 68 triệu euro, nâng mức hỗ trợ lên 141 triệu euro, chiếm khoảng 15% tổng số vốn của dự án. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã giải ngân được 50 triệu euro và đang đẩy nhanh tiến độ. Hà Nội đánh giá cao năng lực và phong cách phục vụ của Ngân hàng Đầu tư châu Âu; đồng thời mong muốn được tiếp tục đồng hành với Ngân hàng Đầu tư châu Âu trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, không chỉ với tuyến đường sắt số 3 mà cả các dự án khác sẽ triển khai trong tương lai.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang tập trung vào các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn và nước thải. Với các dự án này, một số nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu rất quan tâm và mong muốn đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Với kinh nghiệm hợp tác lâu dài, Hà Nội tin tưởng và mong muốn Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ cung cấp nguồn tài chính, hỗ trợ các nhà đầu tư châu Âu tham gia vào những dự án này.
Nhất trí với những đề xuất từ phía UBND TP, Phó Chủ tịch EIB khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và Hà Nội trên các lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình. Những khoản vốn vay liên quan đến vấn đề môi trường đều hướng tới mục tiêu giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đây là lĩnh vực được Ngân hàng ưu tiên phát triển.
Được biết, EIB là ngân hàng quốc doanh quốc tế lớn nhất trên thế giới và sở hữu bởi 28 quốc gia thành viên EU. Hỗ trợ tài chính cho giao thông ở Việt Nam của Ngân hàng Đầu tư châu Âu là dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường ray mới ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kể từ năm 1998 đến nay, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã cấp hơn 710 triệu Euro cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Linh Anh (t/h)