Đừng trông chờ vào những cuốn sách dạy làm giàu khi bạn chẳng thể tự giúp chính mình ở cuộc đời
Bạn có phải là người thích đọc sách? Quyển sách gối đầu giường của bạn là gì? Bạn có phải là một người hâm mộ của dòng sách tự lực không?
Nếu bạn chưa biết thì sách tự lực (self-help) là một nhánh nhỏ của sách tâm lý, “self-help” nghĩa là “tự lực”, “tự giúp chính mình”, như vậy những cuốn sách tự lực thực chất là loại sách tu thân, rèn luyện ý chí. Hầu hết chúng ta ai cũng từng một lần cầm trên tay cuốn sách thuộc dạng này, có khi bạn cũng đã từng đọc nó dù không hề biết đến khái niệm “self-help” hay “tự lực”.
Sách tự lực thường đưa ra những lời khuyên, chỉ dẫn cho người đọc, kèm theo những dẫn chứng “có vẻ như” lấy từ thực tế. Những cuốn sách này hướng con người đến việc tự xây dựng cho mình một niềm tin, chẳng hạn như “Tôi tài giỏi”, “Tôi có thể làm được những điều mình muốn”, thực chất đây là một dạng ám thị.
Những cuốn sách help-self giúp bạn xây dựng niềm tin cho bản thân, nhưng thực chất nó là một dạng ám thị.
Ở những năm tháng tuổi trẻ, nhiều người luôn ở trong trạng thái “chênh vênh”, “cô đơn”, loay hoay không biết phải làm gì với cuộc đời mình. Người ta rất cần một niềm tin nào đó để bấu víu, có người tìm đến tôn giáo, có người lại lựa chọn triết học. Sách tự lực ra đời xuất phát từ nhu cầu phát triển bản thân hoặc xoa dịu những bất ổn của con người. Người ta hoang mang với việc làm thế nào để giàu có, làm sao để thành công, làm sao để được nhiều người yêu quý, làm sao để sống hạnh phúc? Và thế là những cuốn sách ra đời như những chiếc phao cứu sinh cho những người trẻ bất ổn.
Ngành kinh doanh sách tự lực trở thành ngành công nghiệp có trị giá hàng tỉ đô la. Nhiều cuốn sách liên tục đứng trong top những cuốn sách bán chạy nhất và không ngừng được tái bản. Lý do những cuốn sách tự lực đắt khách là bởi đánh trúng tâm lý của những người trẻ, những người đang chênh vênh trên hành trình tìm cho mình một con đường. Người ta muốn tìm giá trị của bản thân thông qua tự kỷ ám thị, hoặc muốn giàu có, thành công bằng con đường nhanh nhất, ngắn nhất.
Bạn đã bao giờ thử tìm đọc một cuốn sách tự lực? Bạn thấy cuộc sống của mình thay đổi ra sao sau khi đọc những cuốn sách đó? Có những người nghiện những cuốn sách tự lực, có những cuốn họ coi là sách gối đầu giường, là kim chỉ nam của hành động. Họ rất giỏi nói lý thuyết nhưng khi gặp vấn đề trong cuộc sống thì chính họ cũng loay hoay không biết phải xử lý thế nào.
Tôi có anh bạn là người hâm mộ của dòng sách tự lực, đặc biệt là những sách dạy làm giàu. Trong cặp anh ấy lúc nào cũng có vài ba cuốn sách, rảnh rang lại giở ra đọc. Không biết những cuốn sách đã tác động thế nào đến cuộc đời anh ấy rồi. Anh ấy đọc rất nhiều nhưng đến nay đã gần chạm ngõ ba mươi, anh ấy vẫn loay hoay với cuộc đời mình, chưa tìm được lối đi cho riêng mình. Anh ấy coi Đắc nhân tâm là cuốn sách gối đầu giường nhưng vẫn mắc phải những sai lầm rất cơ bản trong cư xử, làm tổn thương người khác.
Nếu bạn đọc nhiều cuốn sách của dòng này, bạn sẽ thấy những lời khuyên na ná nhau, có thể được xào nấu lại cho khác đi một chút nhưng tóm lại vẫn là bình mới rượu cũ. Chúng ta ai cũng có vấn đề của riêng mình, huống hồ tâm lý của con người không chỉ gói gọn trong buồn, vui, giận, ghét,… mà ngày càng trở nên phức tạp. Sẽ chẳng có công thức chung nào cho tất cả mọi người để thành công hay hạnh phúc cả. Đến hạnh phúc của mình bạn còn không cảm nhận được thì không có cuốn sách nào giúp được bạn.
Sách tự lực giống như một liều thuốc an thần, xoa dịu những bất ổn, nó tiếp thêm sự tự tin, lạc quan về cuộc đời, nhưng tất cả chỉ là tạm thời. Có khi nào bạn cảm thấy bừng bừng khí thế khi đọc một cuốn sách rồi chỉ một vài tuần, thậm chí là vài ngày sau, mọi thứ lại đâu vào đấy, bạn quay trở về trạng thái chán nản như trước hoặc tệ hơn cả lúc trước. Sách tự lực có thể là một liều thuốc an thần, cũng có thể ru bạn vào một giấc ngủ tồi tệ.
Bạn phải là người hiểu rõ bản thân hơn ai hết. Chính bạn phải quyết định mình phải làm gì, mình muốn trở thành ai chứ không phải chờ ai đó chỉ đường dẫn lối cho bạn. Có phải những cuốn sách dạy bạn rằng: “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ cho mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ”. Thực tế có những người tha thiết muốn người khác thuê mình nhưng không được, họ là những người thất nghiệp. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” Ai cũng muốn làm lãnh đạo thì ai sẽ là nhân viên? Ở đời đôi khi phải biết người, biết ta, chỉ cần làm tốt những việc trong khả năng của mình, đừng gắng gượng với những thứ ngoài tầm với.
Đọc sách là một việc tốt, nhất là ở một đất nước mà tỉ lệ đọc sách thấp kỷ lục như ở Việt Nam (theo thống kê trung bình mỗi người đọc chưa đến một cuốn sách trong một năm) thì việc đọc sách đã là điều đáng quý. Nhưng chính bạn phải quyết định đọc cái gì, điều gì đáng tin, điều gì không. Đừng tin 100% vào những điều được viết trong sách, nếu không bạn sẽ tự biến mình thành kẻ mê tín với đức tin mù quáng. Hãy tập thói quen luôn đặt ra những câu hỏi cho bản thân, tập hoài nghi những thứ mình được tiếp nhận.
Cuộc đời của bạn không có ai sống thay cho bạn, chính vì thế bạn phải là người tìm ra lối cho bản thân mình và tự bước đi. Bạn có thể học hỏi những tấm gương thành công, tham khảo những điều sách chỉ dạy nhưng bạn không thể bắt chước hay răm rắp làm theo lời khuyên của người khác. Bạn không phải là một cái máy, bạn là một con người bình thường.
Người ta thành công dựa trên những thứ mình làm chứ không phải những gì mình biết. Dù bạn có đọc hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách, dành cả thanh xuân để đọc sách thì cũng chỉ là vô ích nếu bạn không làm chủ được cuộc đời mình. Đừng trông chờ vào những cuốn sách tự lực khi mà bạn chẳng thể giúp nổi chính mình trong cuộc đời. Hãy cứu lấy mình trước đã, bạn nhé!
Hằng Nga