Dùng "đồ cổ" từ thập niên 60-70 để tập trận, lời đe dọa Mỹ của Iran phản tác dụng?
Động thái này được tiến hành sau khi Iran nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz và ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của các quốc gia láng giềng nhằm trả đũa các đòn trừng phạt nặng nề của Mỹ.
Eo biển Hormuz là một đoạn khá hẹp nằm giữa Vịnh Oman và Vịnh Ba Tư. Gần 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu trên thế giới được vận chuyển từ Ả Rập Saudi, Iran, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, và Iraq theo tuyến đường này.
Bởi vậy, nếu như Iran thực sự "dám nói dám làm", thì ngành công nghiệp dầu mỏ của các quốc gia láng giềng chắc chắn sẽ lâm nguy.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định sẽ giáng đòn trừng phạt nhằm vào các hoạt động xuất khẩu của Iran vào ngày 4/11, đúng 6 tháng sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trước những lời đe dọa của Mỹ, quân đội và chính quyền Iran đã nhiều lần tuyên bố sẽ dùng các biện pháp quân sự để ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của các nước khác nếu như bị Mỹ ép đến đường cùng.
"Nếu những kẻ thù [của Iran], và đặc biệt là các cường quốc kiêu ngạo dám nhòm ngó lãnh thổ của Iran, thì những kẻ đó sẽ phải nhận ngay cú đòn giáng trả mạnh mẽ của chúng tôi", các cơ quan truyền thông của Iran trích tuyên bố của Đại tá Yousef Safipour về cuộc tập trận hôm thứ 6 vừa qua.
-
Kiểm soát Eo biển Hormuz, Iran tuyên bố không cần "tàu lạ" giúp bảo vệ Vịnh Ba Tư
Tuy nhiên, theo Business Insider, thì "màn trình diễn" của Iran lại rất đáng thất vọng.
Trong khi năng lực hải quân của Iran có thể đáp ứng được nhu cầu phong tỏa eo biển Hormuz trong một thời gian, thì năng lực không quân được thể hiện trong cuộc diễn tập hôm thứ 6 vừa qua dường như không thể hiện được điều đó.
Những mẫu chiến đấu cơ của Iran vừa tham gia cuộc diễn tập ngày 21/9 bao gồm tiêm kích Mirage, tiêm kích F-4 và cường kích Su-22.
Theo Business Insider, hai mẫu F-4 và Su-22 đều là loại chiến đấu cơ được sử dụng lần đầu tiên trong những năm 1960, còn mẫu Mirage được bắt đầu đưa vào sử dụng trong thập niên 1970.
Do phải chịu đòn trừng phạt nặng nề, Iran chưa thể mua thêm các chiến đấu cơ hay bộ phận mới trong một thời gian dài. Tuy nhiên các loại máy bay đời cũ của họ vẫn được duy trì hoạt động trong trạng thái khá tốt.
Nhưng các dòng máy bay đời cũ đó sẽ không thể nào so bì với F-35 - máy bay tiêm kích tàng hình tối tân nhất của Mỹ - mới được đưa đến Vịnh Ba Tư gần đây.
Hiện Mỹ cũng đang duy trì sức mạnh không quân đáng kể tại Trung Đông và theo dõi sát sao tình hình Vịnh Ba Tư. Ngoài ra, Iran cũng không thể coi thường các đồng minh của Mỹ, như Ả Rập Saudi, trên biển.
Vào thứ 7 tuần này (22/9), Iran sẽ tiếp tục tiến hành tập trận trên biển, với sự tham gia của gần 600 tàu chiến. Con số này có thể sẽ bao gồm các tàu tấn công nhanh, hay tàu cao tốc quân đội từng gây hấn với tàu Mỹ trong khu vực trước đây.
Hồng Anh