Đức triệu đại sứ, cảnh báo về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Người dân Đức cầm biểu ngữ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho phóng viên Deniz Yucel. (Ảnh: Reuters)
Deniz Yucel là công dân có 2 quốc tịch Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đang phải đối mặt với hình phạt từ 6 tháng tới 10 năm tù giam về tội tuyên truyền hỗ trợ cho khủng bố và kích động bạo lực, luật sư của Yucel cho hay.
Yucel là phóng viên Đức đầu tiên bị bắt trong cuộc thanh trừng quy mô lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hôm 15/7 năm ngoái. Ông bị tạm giữ hôm 14/2 và tới ngày 27/2, tòa án ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã ra lệnh bắt giam, chờ xét xử Yucel.
Phát biểu họp báo hôm 28/2 sau khi Đức triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố: "Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong kỷ nguyên hiện đại".
Theo ông Gabriel, quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp cả 2 nước bảo vệ, và không có hành động "tự xưng" là dân chủ hay tôn trọng quyền con người nào có thể "lạm dụng" hệ thống tư pháp để ngăn cản các nhà báo.
Cùng ngày 28/2, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cảnh báo: tiến trình xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ ngày càng khó khăn cho tới khi không thể", trong bối cảnh nước này vẫn chưa đảm bảo những giá trị cơ bản của EU.
Ông Maas cũng đề cập tới chuyến thăm cấp cao tới Đức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan: "Rõ ràng là những người muốn hưởng lợi từ tự do ngôn luận cũng nên bảo vệ luật pháp và báo chí tại Đức".
Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi Ankara thanh trừng sau đảo chính, mà trong đó hàng chục nghìn người đã bị sa thải, đình chỉ chức vụ hoặc bắt giữ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại cần tới sự ủng hộ của Đức trong việc xin gia nhập EU.
Kể từ khi phóng viên Yucel bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ, đã có hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Ankara diễn ra tại 10 thành phố ở Đức, Thụy Sĩ cũng như Áo.
Trọng Sang