Đưa ô tô đã qua sử dụng về Việt Nam cần thủ tục gì?
Ảnh minh họa
Trả lời về điều kiện, thủ tục đưa xe đã qua sử dụng về Việt Nam:
Căn cứ vào các quy định tại:
- Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ;
- Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/3/2006 (TTLT số 03/2006) của Liên Bộ Thương mại-Bộ Giao thông Vận tải-Bộ Tài chính-Bộ Công an về việc hướng dẫn nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng;
- Thông tư số 19/2009/TT-BCT ngày 07/7/2009 (Thông tư số 19/2009) của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung TTLT số 03/2006;
- Quyết định số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu…
Trường hợp bạn của bạn muốn đưa xe ô tô dưới 16 chỗ đã qua sử dụng từ Thụy Điển về Việt Nam (xe ô tô 4 chỗ) phải đáp ứng được các điều kiện sau:
+ Ôtô đã qua sử dụng là ôtô đã được sử dụng, được đăng ký với thời gian tối thiểu là 6 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km (mười nghìn) tính đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam;
+ Ôtô đã qua sử dụng được nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện: không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam;
+ Ô tô đó chưa bị thay đổi kết cấu, chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu; chưa bị đục sửa số khung, số máy trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức;
+ Ô tô không được tháo rời khi vận chuyển và khi nhập khẩu…
Các thủ tục
Để đưa chiếc xe nêu trên về Việt Nam thì phải thực hiện nhiều thủ tục, chúng tôi xin được nêu một số thủ tục cần thực hiện và một số văn bản pháp luật được áp dụng đối với từng thủ tục để bạn tham khảo, cụ thể như sau:
Thủ tục nhập khẩu và làm thủ tục hải quan:
+ Thủ tục nhập khẩu: Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân - Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Thủ tục Hải quan được thực hiện tại cửa khẩu nhập khẩu (Điều 1 Thông tư số 19/2009)
Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2001/TT-TCHQ ngày 29/5/2001 của Tổng cục Hải quan.
+ Thủ tục hải quan: Làm hồ sơ hải quan và thủ tục hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 71 và Điều 73 Thông tư số 128/2013/TT - BTC ngày 10/09/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Thông tư số 128/2013).
Thủ tục kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu:
Ô tô nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng theo quy định tại Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng và Quyết định số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Thủ tục đăng ký lưu hành:
Để chiếc xe có thể sử dụng tại Việt Nam cần phải thực hiện đăng ký lưu hành theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe.
Các chi phí để đưa xe từ Thụy Điển về Việt Nam:
Theo quy định tại mục 3 Phần I Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/03/2006 của Bộ Giao thông Vận tải – Bộ Thương mại – Bộ Tài chính – Bộ Công an hướng dẫn việc nhập nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải nộp thuế theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế Giá trị gia tăng. Ngoài ra còn phải chịu lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật.
Theo Quê Hương Online