Dư luận bức xúc khi áo dài, nón lá bị gọi là 'phong cách Trung Quốc'
Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi áo dài tại Malaysia và Lào |
Đưa áo dài, nhạc cụ truyền thống Việt Nam tới vùng Nam Nhật Bản |
Múa nón, áo dài dân tộc nổi bật tại ASEAN Festival Day ở Nam Phi |
Ngày 21/11, mạng xã hội Việt Nam chia sẻ hình ảnh bài báo trên tờ Chindaily phiên bản tiếng Anh của Trung Quốc. Theo đó, bài báo giới thiệu về bộ sưu tập thời trang của thương hiệu Ne-Tiger trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân hè 2019, tổ chức từ tháng 10/2018.
Trong bài báo có loạt hình ảnh người mẫu mặc áo dài Việt Nam, nhưng tiêu đề lại là: "Chinese style delights China S/S Fashion Week'' (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week). Điều này khiến cộng đồng mạng tại Việt Nam bức xúc vì từ lâu áo dài là trang phục truyền thống của người Việt, bỗng dưng lại bị nhà thiết kế Trung Quốc "nhận vơ" là thành quả sáng tạo.
Ảnh chụp màn hình bài báo với tiêu đề "Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week" kèm theo hình ảnh người mẫu mặc áo dài, nón lá của Việt Nam. |
Mặc dù, sườn xám Trung Quốc và áo dài Việt có nhiều nét tương đồng nhưng không khó để nhận ra mẫu thiết kế là áo dài hay là biến tấu từ sườn xám. Theo loạt hình ảnh được đăng tải trong bài báo nói trên, rõ ràng những gì khán giả được xem là áo dài Việt Nam. Không những thế, người mẫu còn đội trên đầu chiếc nón lá - một phụ kiện đặc trưng của người Việt.
Với mẫu trang phục này nhưng nhà thiết kế Trung Quốc gọi là sáng tạo riêng của họ. |
Những mẫu thiết kế này đã ra mắt từ 1 năm trước nhưng ngay khi bị cư dân mạng Việt phát hiện, đã tạo ra làn sóng bức xúc. |
Rõ ràng, những thiết kế khán giả được xem là áo dài Việt Nam. |
Trong khi đó, theo bài viết trên trang Sina vào tháng 10/2018, bộ sưu tập này của Ne-Tiger được "lấy cảm hứng" từ quốc phục các quốc gia nằm trên Con đường tơ lụa cách đây 613 năm.
Trương Chí Phong - nhà sáng lập thương hiệu cho hay bộ sưu tập giới thiệu các mẫu trang phục truyền thống tại các quốc gia Đông Nam Á giúp công chúng nhận thấy sự khác biệt về mặt thời trang cũng như văn hóa, lịch sử giữa các nước. Đồng thời tích hợp các họa tiết văn hóa đặc trưng của các nước này vào trang phục của người Trung Quốc.
Bộ sưu tập này của Ne-Tiger được "lấy cảm hứng" từ quốc phục các quốc gia nằm trên Con đường tơ lụa cách đây 613 năm. |
"Đội ngũ thiết kế của chúng tôi đã mất hơn một tháng để thu thập tư liệu trang phục truyền thống tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và các quốc gia khác. Hình ảnh về vật tổ, phù hiệu đặc trưng của từng nước sẽ được tích hợp vào mẫu trang phục Trung Quốc để tái hiện sự hùng vĩ của con đường tơ lụa trên biển", Trương Chí Phong chia sẻ trên Sohu.
"Đội ngũ thiết kế của chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống của Trung Hoa. Nhưng cũng sẽ học hỏi và kết hợp chúng với các xu hương thời trang hiện đại của thế giới để đưa nó ra toàn cầu", ông này nói.
Song, những lời giải thích này dường như khó có thể xoa dịu người Việt. Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, xuất hiện từ năm 1744. Hình ảnh phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá từ lâu là hình ảnh ấn tượng và được gợi nhớ đến đầu tiên trong mắt du khách quốc tế. Năm 2002, áo dài đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam, riêng biệt hẳn với các nước khác trên toàn thế giới. Vì thế khi biết áo dài Việt bị gọi là "phong cách Trung Quốc", phản ứng bức xúc của công chúng là điều dễ hiểu.