Du lịch Hà Nội: 9 địa danh không nên bỏ lỡ
Khu vực quảng trường Ba Đình – Lăng Bác (gồm: Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đài Liệt sĩ, Chùa Một Cột...). Quảng trường Ba Đình là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc diễu hành vào các ngày lễ lớn của Việt Nam.
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn liền với sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Đến Hoàng Thành Thăng Long du khách có thể tham quan những địa điểm nổi bật được bảo tồn nguyên vẹn ở trục chính tâm như: Khu di tích khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Bắc Môn (thành Cửa Bắc), Hậu Lâu, Di tích cách mạng nhà và hầm D67, Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội).
Hồ Tây một trong những danh thắng nổi tiếng của thủ đô Hà Nội và là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng. Cứ mỗi khi xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa. Với lợi thế vị trí độc đáo, hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hoá lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lý do mà nhiều du khách tới đây tìm hiểu khám phá hồ Tây.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Đây là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam đồng thời là nơi thờ phụng các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An – người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là hạt bụi vàng tô điểm lấp lánh cho mảnh đất kinh kỳ Hà Nội trong hôm nay và cả mai sau. Du khách có thể ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nằm đối diện Văn Miếu.
Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm được ví như trái tim của thành phố ngàn năm tuổi này. Một trải nghiệm thú vị dành cho khách du lịch là đi bộ một vòng hồ, bạn sẽ được thấy một Hà Nội cổ kính nhưng vẫn rất hiện đại. Bên cạnh hồ là những công trình kiến trúc như tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, đền vua Lê Thái Tổ, tháp Hoà Phong, bưu điện Hà Nội…
Nhà hát Lớn là một trong các địa điểm du lịch đẹp ở Hà Nội mang nhiều dấu ấn lịch sử. Đây là địa điểm tổ chức những chương trình nghệ thuật lớn. Du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt vời của Nhà hát Lớn hay mua vé vào xem chương trình biểu diễn nghệ thuật để có thể tận mắt thấy được hết nội thất tráng lệ của nhà hát. Bên cạnh đó, du khách có thể tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Cầu Long Biên được Pháp xây dựng từ năm 1898, là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Cầu Long Biên gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, được coi là biểu tượng của Hà Nội trong những năm tháng khó khăn vất vả.
Muốn tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa và con người Hà Nội thì bạn đừng bỏ qua phố cổ, nơi tập trung đông dân cư sinh sống, có 36 phố phường. Mỗi con phố ở đây chủ yếu tập trung bán một loại mặt hàng nhất định. Lang thang ở khu phố và thưởng thức ẩm thực phố cổ như phở Bát Đàn, chả cá Lã Vọng, bún chả hàng Mành, mì vằn thắn Đinh Liệt, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng, lòng xào, phở xào phố Nguyễn Siêu, ô mai Hồng Lam…sẽ khiến chuyến đi của bạn đáng nhớ hơn rất nhiều.
Bảo tàng Hà Nội là nơi trưng bày giới thiệu về thủ đô Hà Nội từ khi dựng nước đến nay. Với khuôn viên rộng rãi hơn 50.000m2, tòa nhà gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, chiều cao 30.7m, diện tích xây dựng 11.952m2, diện tích sàn xây dựng 30.208m2, chính khuôn viên rộng rãi và kiến trúc độc đáo đó đã làm cho bảo tàng trở thành một điểm đến quen thuộc của khách tham quan trong và ngoài nước khi nhắc đến thủ đô Hà Nội. Số lượng hiện vật của bảo tàng lên tới hàng chục ngàn, trong đó riêng kho cổ vật quý hiếm đã chiếm tới hơn 7.000. Bộ sưu tập của bảo tàng bao gồm đồ đá, đồ đồng, gốm sứ các thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản.
Tuệ Lâm (t/h)