Dự án VnSAT (WB) triển khai tại Gia Lai hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo hướng bền vững
Năm 2015, Dự án VnSAT được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai thực hiện tại 26 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Đak Đoa, Chư Prông và Ia Grai với diện tích 14.300 ha cà phê của 13.551 hộ dân. Trong đó, 11.615 hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững với diện tích 12.300 ha và tái canh bền vững 2.000 ha. Sau đó, tiếp tục mở rộng diện tích tại 3 huyện Mang Yang, Chư Păh và Đức Cơ.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay, đơn vị đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức 251 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững; xây dựng nhiều mô hình sản xuất, tái canh cà phê cho nông dân trong vùng dự án học tập, áp dụng quy trình sản xuất mới. Nhiều hạng mục của dự án vượt kế hoạch so với mục tiêu đề ra. Cùng với đó, đã thành lập 21 tổ chức nông dân (tổ hợp tác), HTX tham gia liên kết sản xuất cà phê theo hướng bền vững.
Dự án VnSAT giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để sản xuất cà phê bền vững - Ảnh Quang Yên/nongnghiep.vn |
Tính đến cuối năm 2021, đã có 47.286 hộ dân được hưởng lợi, đạt 118,2% kế hoạch; diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác cà phê bền vững 10.968 ha, đạt 133%; diện tích áp dụng kỹ thuật sản xuất bền vững 8.557 ha, đạt 131%; tái canh 2.411 ha, đạt 141%... Lợi nhuận từ phương thức sản xuất mới tăng 20,4% so với mục tiêu đề ra ban đầu. Diện tích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của vùng dự án 8.111 ha, đạt 224% và sử dụng giống mới 3.376 ha, đồng thời thực hiện 1 mô hình cà phê cảnh quan.
Bên cạnh đó, Dự án VnSAT còn hỗ trợ hệ thống tưới nước tiết kiệm nước; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như sân phơi cà phê, đường giao thông nội đồng ra khu sản xuất; máy móc, thiết bị máy xát vỏ cà phê, máy tách hạt theo công nghệ tách màu cho các tổ chức nông dân và một số HTX tại địa phương được thụ hưởng.
Với mục tiêu của Dự án VnSAT giúp các hộ nông dân trồng cà phê thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng, sản xuất và tái canh cà phê theo hướng bền vững. Đồng thời, nâng tầm giá trị cà phê thông qua hỗ trợ sân phơi, nhà kho, máy móc thiết bị sơ chế, chế biến và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, tạo động lực để người trồng cà phê chủ động sản xuất theo hướng bền vững.
Nhờ cải thiện về chất lượng, cà phê luôn được thu mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung. Ảnh: Tuấn Anh/nongnghiep.vn |
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, dự án đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào các tổ chức, HTX liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, hỗ trợ hơn 10 ngàn hộ nông dân trồng cà phê của tỉnh thông qua các lớp tập huấn về sản xuất cà phê bền vững, tái canh giống mới chất lượng cao, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn 4C để nâng cao giá trị và chất lượng trên địa bàn. Đặc biệt, đã hỗ trợ máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến cà phê, xây dựng sân phơi, đường giao thông nội đồng… giúp người dân trong vùng dự án hưởng lợi.
Hiện nay, các hạng mục của dự án đều đạt so với kế hoạch, còn lại 5 tiểu dự án về hạ tầng giao thông nội đồng đang hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng vào ngày 30/6 tới. Có thể khẳng định, dự án đã mang lại sức sống mới cho người trồng cà phê của tỉnh phát triển bền vững trong những năm tới.