Đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển khu vực
ĐẠI SỨ MỸ TẠI VIỆT NAM MARC EVANS KNAPPER |
Mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác ASEAN-Mỹ
ASEAN là trọng tâm trong chiến lược của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tại khu vực. Mỹ ủng hộ văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; hoan nghênh một ASEAN mạnh mẽ, độc lập và đóng vai trò dẫn dắt tại khu vực Đông Nam Á. Mỹ cũng ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc ứng phó những thách thức cấp bách của khu vực.
Kể từ khi trở thành đối tác đối thoại năm 1977, Mỹ và ASEAN đã trải qua nhiều dấu mốc quan trọng. Quan hệ hai bên phát triển từ cấp độ trao đổi quan điểm về chính trị, an ninh lên hợp tác trong nhiều lĩnh vực như y tế, xây dựng năng lực hàng hải và phát triển kinh tế. Kể từ đầu những năm 1990, hợp tác phát triển giữa Mỹ và ASEAN được tăng cường thông qua việc khởi động nhiều chương trình, tập trung vào thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giáo dục. Năm 2008, Mỹ đã trở thành quốc gia ngoài ASEAN đầu tiên bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN. Năm 2011, Mỹ trở thành quốc gia ngoài ASEAN đầu tiên thành lập Phái đoàn Đại diện thường trực tại Jarkata, Indonesia.
Quan hệ ASEAN-Mỹ phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn khi hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2015 và khi Mỹ tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ năm 2016. Mỹ hiện là đối tác đầu tư hàng đầu tại các nước thành viên của Hiệp hội. Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực để phát triển tầm nhìn về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), nhằm nâng cao khả năng phục hồi và năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế tham gia, đóng góp vào thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực.
Quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Mỹ và ASEAN mang lại những lợi ích thiết thực cho khu vực; đóng vai trò quan trọng vào nỗ lực ứng phó những thách thức chung trong tương lai. Có thể kể đến sáng kiến an ninh hàng hải của Mỹ tại châu Á nhằm cải thiện hợp tác hàng hải và bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tại Hà Nội vào tháng 8/2021.
Như Tổng thống Joe Biden đã khẳng định, Mỹ và ASEAN không chỉ kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ đối tác, mà sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới trong năm 2022. Điều này có thể thấy rõ qua việc hai bên tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Mỹ tại Washington và cam kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm nay. Tôi rất vinh dự được tham gia đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân hội nghị này. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và IPEF của Mỹ nêu rõ rằng, Việt Nam là trung tâm trong các cam kết của Washington tại khu vực. Do đó, Mỹ cũng hy vọng nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong tương lai.
Tôi mong đợi Mỹ và ASEAN tiếp tục có các cam kết ở cấp cao, hợp tác về các vấn đề chiến lược, cùng nhau nắm bắt các cơ hội để làm sâu sắc và đẩy mạnh phối hợp nhằm đạt được các mục tiêu chung. Hai bên sẽ nỗ lực xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tăng trưởng bền vững; phát triển nền kinh tế kỹ thuật số..., hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và an toàn.
ĐẠI SỨ NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM YAMADA TAKIO |
Đưa quan hệ Nhật Bản-ASEAN lên một tầm cao mới
Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản. Đặc biệt, tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) được Hiệp hội thông qua vào năm 2019 có điểm chung với FOIP về những nguyên tắc cơ bản, như tự do, rộng mở và thượng tôn pháp luật. Nhật Bản coi trọng tính thống nhất của ASEAN, cũng như vai trò trung tâm của Hiệp hội tại khu vực. Nhật Bản cùng với ASEAN triển khai những kế hoạch hợp tác cụ thể, góp phần thực hiện các nguyên tắc được đề ra trong AOIP, qua đó đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thiết lập quan hệ đối tác đối thoại không chính thức vào năm 1973, Nhật Bản và ASEAN đã trở thành đối tác đối thoại chính thức vào năm 1977. Năm 2023, Nhật Bản và ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ đối tác. Nhân dịp này, hai bên dự kiến tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên trong nửa thế kỷ qua. Nhật Bản và ASEAN cũng sẽ thúc đẩy thảo luận nhằm đề ra phương hướng cho quan hệ đối tác chiến lược và tầm nhìn hợp tác hướng tới tương lai.
Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại giữa Nhật Bản và ASEAN. Nhật Bản đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam, trên vai trò nước điều phối quan hệ Nhật Bản-ASEAN giai đoạn 2018-2021. Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và có tiềm năng to lớn, không chỉ là trong hợp tác song phương mà cả hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Vào tháng 11/2021, hai nước đã ra Tuyên bố chung Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của châu Á.
Theo đó, phạm vi hợp tác giữa hai nước được đẩy mạnh trong hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế, cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nước đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong từng lĩnh vực. Năm 2023 là năm quan trọng đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam. Hai nước sẽ nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, đồng thời phát triển sâu rộng hơn nữa hợp tác song phương. Tôi hy vọng rằng, dựa vào việc đẩy mạnh liên kết và hợp tác chiến lược giữa hai nước, năm 2023 sẽ là cơ hội mang tính lịch sử để đưa quan hệ Nhật Bản-ASEAN, cũng như quan hệ Nhật Bản-Việt Nam lên một tầm cao mới.
ĐẠI SỨ INDONESIA TẠI VIỆT NAM DENNY ABDI |
Vai trò “mỏ neo” duy trì hòa bình và ổn định
Kể từ khi thành lập, ASEAN đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển một cộng đồng hài hòa và dựa trên luật lệ tại khu vực. ASEAN chứng kiến những sự chuyển biến mạnh mẽ trong nội bộ và trong quan hệ với các đối tác của Hiệp hội. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 là một bước tiến quan trọng đối với tiến trình hội nhập khu vực, mở rộng tiềm lực chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội của Hiệp hội. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) bao gồm các nguyên tắc cơ bản về chuẩn mực ứng xử của các bên tham gia, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác tại khu vực.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của ASEAN là bảo đảm hòa bình và ổn định của khu vực. Biển Đông được duy trì là vùng biển hòa bình và hợp tác thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). ASEAN cũng góp phần thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế khu vực. Với hơn 650 triệu dân, ASEAN là nền kinh tế quan trọng, là động lực tăng trưởng của khu vực, cũng như thế giới. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực cũng đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu nhằm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cộng đồng Văn hóa-Xã hội góp phần phát triển một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, hài hòa và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mỗi thành viên.
Trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào năm 2020, ASEAN đã thông qua Bản tường thuật về bản sắc ASEAN nhằm tăng cường sự gắn bó giữa người dân các nước thành viên. ASEAN ngày càng tăng cường sự thống nhất và vai trò trung tâm, đẩy mạnh nỗ lực ứng phó các thách thức nổi lên trong khu vực. ASEAN tiếp tục đóng vai trò là “mỏ neo” duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thời gian tới, ASEAN cần thực hiện các cải cách nhằm bảo đảm hiệu quả và hiệu lực của Hiệp hội. Do đó, Indonesia cho rằng, Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 cần tăng cường thể chế hóa ASEAN như một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng Tầm nhìn. Indonesia cũng cho rằng, ASEAN cần nâng cao năng lực ứng phó các thách thức khu vực và quốc tế; duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang phát triển thông qua việc hiện thực hóa văn kiện Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), góp phần giữ gìn hòa bình, thúc đẩy văn hóa đối thoại và tăng cường hợp tác.
Để đạt mục tiêu này, Indonesia tiếp tục thúc đẩy triển khai AOIP trong các lĩnh vực ưu tiên, như hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững, thương mại và đầu tư. Ngoài ra, Indonesia và các thành viên ASEAN cần khuyến khích các đối tác tập trung thực hiện AOIP nhằm củng cố cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong khu vực. Do đó, Indonesia hy vọng sẽ cùng Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN ứng phó hiệu quả những thách thức vì sự phát triển bền vững của Hiệp hội và khu vực.