Đông giá, xe khách đốt lửa "đun" nhiên liệu, xe tăng thì sao?
Phải hành quân và tác chiến trong điều kiện giá lạnh là một cực hình đối với các đơn vị bộ binh. Chẳng thế, trong lịch sử chiến tranh mùa Đông băng giá của nước Nga đã làm nản lòng, chùn bước những đội quân hùng mạnh của Napoleon cũng như của phát-xít Đức...
Nhưng không chỉ với bộ binh, mà mùa đông băng giá cũng là một kẻ thù đáng nể, khó lường của xe tăng, thiết giáp cũng như nhiều phương tiện chiến đấu khác nữa.
Việt Nam là một nước nằm ở khu vực nhiệt đới. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi phía bắc mùa đông vẫn thường có những đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ khá thấp, nhiều khi có cả băng giá... Chúng ta đã từng thấy trên TV đưa hình ảnh các lái xe khách trên những cung đường này phải đốt lửa hơ nóng bình nhiên liệu rồi mới nổ máy được.
Đó là một cách làm "cực chẳng đã" song cũng chẳng còn cách nào hơn để khắc phục khó khăn nhất thời lúc đó.
Đốt lửa sưởi nhiên liệu cho xe khách. Ảnh: Trung Anh.
Mùa đông băng giá ảnh hưởng như thế nào đến xe máy, trang bị?
Nhìn chung, xe tăng - thiết giáp hay các loại phương tiện chiến đấu khác đều cần có một động cơ để tạo ra động lực cung cấp cho phương tiện đó cũng như các loại trang thiết bị trên phương tiện đó hoạt động.
Cho đến nay, đại bộ phận động cơ trang bị cho xe tăng, thiết giáp và các phương tiện chiến đấu là động cơ đốt trong. Và đây chính là "khâu yếu nhất" mà bà chúa mùa đông băng giá có thể tác động vào.
Sở dĩ nói như vậy bởi vì các hệ thống cấu tạo nên động cơ đốt trong như hệ cung cấp nhiên liệu, hệ làm nhờn, hệ làm mát... đều có các "chất công tác" là chất lỏng là thứ mà nhiệt độ thấp của mùa đông dễ tác động đến nhất.
Đối với hệ cung cấp nhiên liệu của hầu hết động cơ xe tăng, thiết giáp sử dụng nhiên liệu diesel và chúng được đốt cháy trong xy lanh động cơ theo phương pháp "tự nén cháy". Bản thân diesel là loại nhiên liệu có nhiệt độ đóng băng khá thấp nên nhìn chung không sợ chúng đông đặc lại.
Tuy nhiên, khi nhiệt độ xuống thấp thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự bốc cháy của chúng khi được nén dưới áp suất cao, dẫn đến khó nổ máy và khi nổ được rồi cũng sẽ ảnh hưởng đến công suất động cơ- thường là giảm từ 10- 30% công suất thiết kế.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc các lái xe ở vùng cao phía bắc đã phải dùng đến "hạ sách" đốt lửa hâm nóng thùng nhiên liệu như chúng ta đã thấy.
Đối với hệ thống làm nhờn - một hệ thống rất quan trọng có tác dụng cung cấp dầu nhờn cho các bề mặt chịu ma sát, các ổ đỡ, ổ quay... của động cơ cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi mùa đông băng giá.
Xe tăng chuẩn bị hành quân ra thao trường. Ảnh: QĐND.
Nhiệt độ thấp của mùa đông sẽ làm dầu nhờn trở nên đặc hơn và dẫn đến không bảo đảm độ nhớt theo yêu cầu, độ mài mòn của các bề mặt ma sát sẽ tăng lên. Mặt khác , dầu đặc cũng làm khả năng lưu chuyển kém dẫn đến tình trạng không cung cấp được cho tất cả các bề mặt ma sát cần dầu gây ra gãy, vỡ các chi tiết.
Đặc biệt, hệ thống làm mát của động cơ là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của mùa đông băng giá. Sở dĩ như vậy là bởi "chất công tác" của hệ thống này chính là nước (H2O) có nhiệt độ đóng băng khá cao - 00C.
Đối với mùa đông ở các nước hàn đới thường xuyên có nhiệt độ dưới 00C, thậm chí còn xuống đến âm vài chục độ thì nguy cơ nước trong hệ làm mát bị đóng băng là chuyện nhãn tiền. Nước đóng băng không lưu chuyển được, động cơ sẽ không được làm mát.
Và khi động cơ không được làm mát thì tác hại sẽ vô cùng lớn sẽ xảy ra như: bó biên, cháy máy v.v... Ở nước ta, mặc dù là nước nhiệt đới gió mùa song tại những vùng núi cao phía bắc cũng có nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 00C vào mùa đông nên không thể nói nguy cơ này không xảy ra.
Đối với các loại động cơ tua-bin khí không cần đến nước làm mát thì các ảnh hưởng của nhiệt độ thấp có ít hơn, chủ yếu nó tác động đến nhiên liệu và dầu nhờn và ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến công suất cũng như độ bền động cơ.
Không chỉ gây ảnh hưởng đến động cơ, nhiệt độ thấp cũng có ảnh hưởng nhất định đến dung lượng bình điện - tính trung bình nhiệt độ cứ giảm 1 độ thì điện lượng giảm 1%, đến các cơ cấu dẫn động, truyền động (do dầu nhờn đặc lại) và đến quỹ đạo đường đạn khi bắn ra- thường là gần lại so với điều kiện tiêu chuẩn (nhiệt độ 150C)...
Ngoài nhiệt độ thấp thì một tác nhân khác nữa của mùa đông băng giá ảnh hưởng đến việc sử dụng xe tăng thiết giáp và các phương tiện kỹ thuật là băng tuyết. Băng tuyết phủ dày làm ảnh hưởng đến khả năng cơ động của xe. Bên cạnh đó, lớp băng tuyết đông lại trên các mặt kính cũng làm khả năng quan sát, ngắm bắn của kíp xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xe tăng T-90 của Nga diễn tập.
Làm gì để chiến thắng mùa đông băng giá?
Nhận thức rõ ảnh hưởng của mùa đông băng giá đến xe tăng thiết giáp, các nhà sản xuất đã có những giải pháp tổng thể cả trong thiết kế chế tạo lẫn quy trình, quy tắc sử dụng. Vấn đề còn lại là do những người sử dụng có thực hiện đúng những quy trình, quy tắc ấy hay không mà thôi.
Để khắc phục những ảnh hưởng của nhiệt độ thấp đến các hệ của động cơ, các "chất công tác" khi sử dụng trong mùa đông băng giá cũng có những yêu cầu riêng.
Chẳng hạn, đối với hệ cung cấp nhiên liệu thì phải sử dụng các loại nhiên liệu dành cho mùa đông (VD: diesel nhãn hiệu ДА), hệ làm nhờn cũng phải dùng loại riêng (VD: dầu nhờn nhãn hiệu АМТ-14П).
Còn đối với hệ làm mát cũng phải dùng loại nước làm mát có pha những hóa chất đặc biệt (VD: nước làm mát ký hiệu "65") để hạ thấp nhiệt độ đóng băng của chúng xuống.
Ngoài ra, để đảm bảo sự an toàn cho hoạt động của động cơ người ta còn lắp thêm một bộ tăng nhiệt cho mỗi động cơ.
Bộ tăng nhiệt này có thể vận hành bằng dẫn động tay quay hoặc bằng điện. Bộ phận chủ yếu của bộ tăng nhiệt là một "buồng đốt" - đó là một buồng kín bằng kim loại và được đốt nóng bởi chính nhiên liệu của phương tiện với nguồn nhiệt ban đầu là một bu-gi.
Xung quang buồng đốt là các "ống ruột gà" dẫn nhiên liệu, nước làm mát và dầu nhờn. Khi cho bộ tăng nhiệt làm việc, nhiệt độ của buồng đốt làm các chất lỏng này nóng lên rồi được đẩy đi khắp hệ thống cho đến khi đạt nhiệt độ bình thường mới được khởi động động cơ.
Thông thường, đối với các xe tăng thiết giáp hoặc trang bị xuất sang các nước nhiệt đới sẽ không có bộ tăng nhiệt này.
Trường hợp không có loại nước đặc biệt có nhiệt độ đóng băng thấp và nước trong hệ làm mát bị đóng băng thì phải đun nước đến nhiệt độ 60- 900C để bổ sung vào cho đến khi nước chảy thông từ lỗ tra nước đến lỗ tháo nước mới được cho động cơ làm việc.
Sau khi cho bộ tăng nhiệt làm việc đạt đến nhiệt độ cần thiết thì trước khi khởi động động cơ vẫn phải bơm dầu nhờn bằng điện đạt đến áp suất quy định - thường là 2 KG/cm2. Quy định này nhằm đưa được dầu nhờn đến tất cả các bề mặt ma sát tránh gây gẫy vỡ các chi tiết.
Mặc dù vậy, khi động cơ đã được khởi động cũng không nên khởi xe ngay mà nên nổ máy tại chỗ với chân ga nhỏ từ 2-3 phút để động cơ làm việc ổn định. Khi khởi xe cũng nên bắt đầu ở số thấp- tốt nhất là số 1.
Còn để khắc phục tình trạng băng tuyết đóng lại trên mặt các kính quan sát, kính ngắm người ta đã thiết kế các bộ phận sưởi nóng bằng điện từ phía trong xe và bộ phận thổi tuyết bằng khí nén bên ngoài mặt kính...
Ở Việt Nam, nhìn chung mùa đông không quá khắc nghiệt như các nước hàn đới. Tuy nhiên, khi gặp trường hợp "rét đậm, rét hại"- nhất là khi hoạt động dã ngoại tại các vùng núi cao phía Bắc thì cũng phải hết sức chú ý đến việc giữ nhiệt và tăng nhiệt cho động cơ.
Cụ thể, nếu trú quân ngoài trời phải đóng kín các cửa xe và cửa chớp hút gió, sau đó dùng bạt che kín phần truyền động cũng như toàn xe. Trước khi khởi động xe để sử dụng lại phải kiểm tra cẩn thận.
Nếu nước làm mát trong hệ bị đóng băng thì phải đun nước nóng để bổ sung vào hệ làm mát cho nhiệt độ chung của hệ nâng lên trên 500C mới khởi động động cơ.
Tựu chung, như ông cha ta đã tổng kết: "của bền tại người". Cứ thực hiện nghiêm các quy trình, chấp hành đúng các quy tắc thì dù mùa đông băng giá hay mùa hạ nóng bỏng, các trang thiết bị nói chung và tăng thiết giáp nói riêng sẽ phát huy hết hiệu suất của mình, đồng thời tuổi thọ của chúng sẽ được kéo dài.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt