Đồng bộ chính sách cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam
Sẽ thực hiện đồng bộ, triệt để chính sách cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam (Ảnh: Vietnamplus). |
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi, bổ sung (Luật số 51/2014/QH14) quy định nhiều điểm mới về xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam. Đáng lưu ý là chính sách cấp thị thực cho người nước ngoài được quy định đơn giản, thông thoáng hơn theo hướng thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Trong thời gian qua, nhất là từ ngày 15/3/2022 đến nay, chính sách thị thực của Việt Nam theo hướng mở cửa, thủ tục hành chính được cải cách, đổi mới mạnh mẽ, số người nước ngoài nhập xuất cảnh sau đại dịch COVID-19 đã không ngừng tăng lên; chính sách thị thực điện tử đang vận hành ổn định, đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử cũng được đẩy mạnh thực hiện.
Thủ tục cấp thị thực ngày càng đơn giản, nhanh gọn, công khai minh bạch với nhiều hình thức cùng với chính sách đơn phương miễn thị thực đối với công dân 13 nước (không phân biệt mục đích nhập cảnh) đã tạo sự thông thoáng, cởi mở nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh và lao động. Đây có thể coi là giải pháp quan trọng tạo đột phá cho du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.
Việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài đã được thực hiện thí điểm từ 1/7/2017 và được quy định tại Luật số 51/2014/QH14. Thị thực điện tử có thời hạn 30 ngày, so với thủ tục cấp thị thực truyền thống, thủ tục cấp thị thực điện tử được đơn giản hóa hơn, thuận tiện hơn cho người nước ngoài; thời gian giải quyết nhanh chóng (theo quy định là 3 ngày làm việc).
Người nước ngoài thực hiện hoàn toàn qua Trang thông tin cấp thị thực điện tử, không phải thông qua cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh. Đây là thủ tục hành chính được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, đảm bảo các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính với phương châm “Công khai, minh bạch, tiện lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian”.
Trước đây, theo quy định của Luật số 47/2014/QH13, người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP quy định công dân 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam với thời hạn 15 ngày, không phân biệt mục đích, không yêu cầu khi nhập cảnh trở lại phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho du khách quốc tế nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước.
Người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch thông qua doanh nghiệp lữ hành quốc tế để làm thủ tục mời, bảo lãnh cấp thị thực. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam có Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch cấp đều có thể làm thủ tục bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình doanh nghiệp tổ chức. Thời gian giải quyết nhanh chóng, không quá 3 ngày làm việc nếu đề nghị nhận thị thực tại cửa khẩu quốc tế; không quá 5 ngày làm việc nêu nhận thị thực tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Theo quy định của Luật số 47/2014/QH13, việc cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ quy định một loại có ký hiệu ĐT với thời hạn 5 năm. Hiện nay, theo Luật số 51/2014/QH14, việc cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài quy định theo hướng căn cứ mức góp vốn đầu tư hoặc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi, khuyến khích đầu tư để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp. Theo đó, nhà đầu tư có vốn góp giá trị 3 tỷ đồng chỉ được cấp thị thực có thời hạn không quá 1 năm; nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.
Quy định này đã góp phần tạo thuận lợi, ưu đãi cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với số vốn góp lớn, phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2014 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp vốn nhỏ để hợp thức hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài.
Ngoài ra, Luật số 51/2014/QH14 quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực, cụ thể: Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Với quy định này, các trường hợp chính đáng như: người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để vào làm việc, sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động,... thì không phải xuất cảnh, mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh có thể làm thủ tục xin cấp thị thực mới theo đúng mục đích nhập cảnh.