Dồn lực phát triển hạ tầng “đánh thức” thương mại biên giới Việt Nam – Lào
Làm đường, xây chợ... nơi biên giới
Sau nhiều năm thi công, đến nay những hạng mục cuối cùng của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A - tuyến đường bộ ngắn nhất từ Hà Tĩnh sang nước bạn Lào đang được gấp rút hoàn thiện. Dự án dài hơn 85km từ ngã ba thị xã Hồng Lĩnh đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn). Dự án gồm 12 gói thầu xây lắp, trong đó khắc phục 17 điểm thường xuyên sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, dự án cũng cải tạo, mở rộng 13 cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp.
Đây là tuyến đường bộ ra biển ngắn nhất của nước bạn Lào đi qua Hà Tĩnh. Hiện tại, các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của dự án. Dự kiến cuối năm 2024, công trình sẽ được khánh thành đưa vào khai thác.
Theo tính toán, sau khi Quốc lộ 8A được nâng cấp, sẽ giúp phương tiện giao thông từ thị trấn Phố Châu lên cửa khẩu Cầu Treo thuận lợi hơn, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1,5 giờ thay vì gần 3 giờ như hiện nay. Quốc lộ 8A hoàn thành cũng tạo động lực mới, kích cầu hoạt động giao thương giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Quốc lộ 8A hoàn thành cũng tạo động lực mới, kích cầu hoạt động giao thương giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh: Hoài Nam |
Được biết, trong thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển đồng bộ và nâng cấp hệ thống giao thông trong đó chú trọng kết nối giao thông liên vùng. Hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến hạ tầng biên giới và phát triển hoạt động thương mại biên giới như dự án bãi kiểm hóa, trung tâm logistics, kho bãi, trung tâm thương mại dịch vụ.
Tỉnh cũng thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án Logistics, cảng cạn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; rà soát, thúc đẩy triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng. Theo kế hoạch, sẽ thu hút đầu tư xây mới 2 chợ biên giới, cụ thể: chợ biên giới Sơn Hồng, địa chỉ tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn với xếp loại chợ hạng III, diện tích quy hoạch 3.000 m2; chợ biên giới Sơn Kim, địa chỉ tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn với xếp loại chợ hạng III, diện tích quy hoạch 6.800 m2.
Tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại khu vực biên giới với các tỉnh Khăm Muồn; Sạ-vẳn-na-khệt (Lào). Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới bao gồm chợ biên giới, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm logicstic, kho hàng hóa, kho trung chuyển… theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển từng khu vực biên giới của tỉnh. Hình thành các trung tâm logistics đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa đến khu vực cửa khẩu xuất khẩu qua biên giới phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...
Việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới được tỉnh Quảng Trị hết sức quan tâm và chú trọng trong những năm qua. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đang phối hợp tỉnh Savannakhet đưa ra đề án xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan. Quảng Trị đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào. Tỉnh Quảng Trị kỳ vọng ở đề án là xây dựng vùng biên giới Lao Bảo - Densavan trở thành điểm nhấn ở đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, là mô hình kiểu mẫu về thương mại xuyên biên giới quốc gia.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh Sơn La ban hành, mục tiêu đặt ra là thúc đẩy hợp tác, phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh giáp biên giới của Lào; thu hút và xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Trong đó chú trọng thu hút đầu tư các trung tâm, khu tổ hợp dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập, Chiềng Khương nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu; khuyến khích phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển thương mại biên giới; xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển thương mại biên giới.
Dấu mốc trong phát triển hạ tầng thương mại biên giới
Tháng 1/2024, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Đây là thỏa thuận cấp Chính phủ đầu tiên trong lĩnh vực hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Bản ghi nhớ được triển khai tại 10 tỉnh biên giới của Việt Nam như Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum và 10 tỉnh biên giới của Lào như Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bo Ly Khăm Xay, Khăm Muồn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sả Lạ Văn, Xê Kông, Ắt Tạ Pư.
Việt Nam và Lào kí thỏa thuận cấp Chính phủ đầu tiên trong lĩnh vực hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa hai nước. Ảnh: Công Thương |
Để bản ghi nhớ đi vào thực chất, tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Theo đó, Hai bên Cơ quan đầu mối hai Bên của Việt Nam và Lào trao đổi thống nhất danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần ưu tiên xây dựng phù hợp quy hoạch của mỗi địa phương biên giới theo từng giai đoạn; lựa chọn ít nhất 1 loại hình hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng để báo cáo Chính phủ quyết định; thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào.
Nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng của các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào; hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới.
Rà soát các loại hình hạ tầng thương mại biên giới cần nâng cấp, cải tạo và danh mục hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng. Thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào.
Khuyến khích các hoạt động thương nhân Việt Nam và Lào tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới theo quy định hiện hành; hai bên trao đổi, thống nhất tăng cường các hoạt động tổ chức và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới ở khu vực biên giới hai nước Việt Nam và Lào định kỳ ít nhất 1 lần 01 năm.
Nhiều địa phương và các ngành chức năng đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm gia tăng các hoạt động xuất khẩu của các tỉnh biên giới sang Lào. Không chỉ là một cuộc cải cách kinh tế, mà còn là nhân tố hết sức quan trọng giữ vững đoàn kết, ổn định và an ninh chính trị tại khu vực biên giới.
Lào tập trung phát triển cơ sở hạ tầng biên giới với Việt Nam và quốc tế Tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ 7, Quốc hội Lào khóa IX diễn ra vào tháng 6/2024, Bộ trưởng Công chính và Vận tải Lào đã trình bày báo cáo về kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng với tuyến hành lang kinh tế hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế để phục vụ vận tải hàng hóa xuyên biên giới và du lịch. Lào đang tích cực nghiên cứu phát triển các tuyến đường bộ và đường sắt để kết nối với khu vực và quốc tế, trong đó có Việt Nam, nhằm thực hiện chiến lược biến Lào từ một nước không giáp biển trở thành một quốc gia kết nối dịch vụ vận tải của khu vực và quốc tế. Theo đó tập trung tổ chức thực hiện phát triển mạng lưới đường bộ như: tập trung nâng cấp và cải tạo các tuyến đường quốc lộ như tuyến đường 13 Bắc (AH12), đường 13 Nam (AH11), đường 2E và 2W (AH13), đường số 12 (AH131), bao gồm cả tuyến đường số 8 kết nối đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và tuyến đường số 12 (AH131) kết nối đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo của Việt Nam…Trong kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt khác, Chính phủ Lào hiện đang nghiên cứu tính khả thi của các tuyến đường sắt từ thủ đô Vientiane - Thakhek - Mụ Giạ (Việt Nam) và tuyến đường sắt từ Savannakhet - Lao Bảo... |