Đơn hàng liên tục sụt giảm, dệt may khó cán đích xuất khẩu 40 tỷ USD?
Đầu năm 2023, ngành dệt may đề ra hai kịch bản tăng trưởng gồm kịch bản tích cực có thể đạt giá trị xuất khẩu là 47- 48 tỷ USD với kỳ vọng nhu cầu hồi phục trong nửa sau năm 2023 và 45-46 tỷ USD cho kịch bản còn lại kém tích cực hơn.
Thế nhưng, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, đơn giá giảm sâu, toàn ngành dệt may đã hạ mục tiêu xuất khẩu xuống mức khoảng 39 đến 40 tỷ USD, con số này giảm khoảng 17% so với kịch bản được xây dựng hồi đầu năm và giảm khoảng 10% so với năm 2022.
Doanh nghiệp dệt may đang hoạt động cầm chừng
Là doanh nghiệp dệt may xuất khẩu tới trên 10 thị trường, trong đó chủ yếu sang các nước Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, châu Á, châu Mỹ…., bà Bùi Thị Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần thêu may Mỹ Đức cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may gặp khó khăn như hiện nay do nhu cầu thế giới sụt giảm.
Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 7, doanh nghiệp vẫn còn có đơn hàng để duy trì hoạt động, nhưng từ nay tới cuối năm chưa có đơn hàng nào. Thậm chí, mới đây, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, nguyên vật liệu đã chuẩn bị đầy đủ nhưng vừa rồi bên đối tác đã huỷ đơn hàng do tìm được thị trường ưu thế hơn về giá.
“Trước đây, doanh nghiệp hơn 500 công nhân, từ giữa năm 2022 giảm một nửa, đến thời điểm này đã giảm sâu. Hiện doanh nghiệp đang cố gắng tận dụng nhân công và số vải đã mua để sản xuất quần áo bán nội địa, nhưng tiêu thụ cũng khó khăn, lượng tồn kho lớn. Doanh nghiệp phải đã giảm hết những chi phí không cần thiết, duy trì hoạt động sản xuất ở mức cầm chừng”, bà Hoàn lo lắng.
Bà Bùi Thị Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần thêu may Mỹ Đức. |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, giống như nhiều lĩnh vực xuất khẩu, ngành dệt may đã và đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 4,7 tỷ USD so cùng năm trước.
“Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của dệt may đều giảm sâu như may mặc giảm 13%, vải giảm 18%, xơ sợi giảm 20%, các mặt hàng nguyên phụ liệu giảm 17%”, ông Cẩm thông tin
Mặc dù vậy, theo ông Cẩm, nếu nhìn sự sụt giảm con số xuất khẩu vẫn chưa thấy hết được khó khăn của doanh nghiệp nghiệp dệt may. Bởi, ngoài đơn hàng giảm, doanh nghiệp đang phải nhận những đơn hàng không phải là thế mạnh với đơn giá rất thấp, khiến năng suất thấp và lợi nhuận không có.
“Điều này cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động cầm cự, giữ chân người lao động, thậm chí lỗ một ít cũng được”, ông Cẩm quan ngại.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). |
Vẫn có tín hiệu tốt từ các thị trường lớn
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 4 về thị phần dệt may tại EU (sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhỹ Kỳ) với nhiều ưu đãi về thuế, do vậy có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền của sản phẩm dệt may và quyền sửa chữa. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc.
Với các quy định này, theo ông Quân, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế.
EU cũng đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, nên doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.
“Thời gian còn lại của năm 2023 và nhiều năm tới, sức ép lớn với ngành dệt may là đáp ứng yêu cầu về xanh hóa sản xuất, sản phẩm bền vững, buộc các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất nguyên liệu xanh để tiến tới sản xuất hàng may mặc có thể sử dụng nhiều lần, dễ tái chế, quá trình sản xuất giảm thiểu tác động đến môi trường”, ông Quân khuyến nghị.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU. |
Dự báo về diễn biến thị trường sắp tới, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện trong những tháng tới nhưng khi tình hình thế giới có những biến động, thay đổi chính sách thì dệt may sẽ là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên.
Do vậy, Bộ Công Thương cùng hệ thống Thương vụ nước ngoài của Việt Nam cần cung cấp những thông tin từ thị trường nhập khẩu để doanh nghiệp có ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt các thị trường khác do chi phí sản xuất thấp hơn (15%) do chi phí nhân công rẻ và được hỗ trợ về thuế phí do là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đại diện Hiệp hội dệt may kiến nghị, về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành như ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá phải phù hợp cho thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi nhanh. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, sửa đổi quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP, cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn thay vì khuyến khích gia công.