Đối thoại Shangri-La: BTQP Mỹ chọc giận TQ khi lần đầu tiên cam kết bảo vệ Đài Loan
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La rằng Mỹ sẽ duy trì cam kết với Đài Loan. Đây là lần đầu tiên vấn đề Đài Loan được nêu ra trong thông điệp của đoàn đại biểu Mỹ, kể từ khi diễn đàn ở Singapore này khởi động vào năm 2002.
"Bộ quốc phòng Mỹ vẫn kiên định cam kết hợp tác với Đài Loan và chính quyền của họ để cung cấp cho họ những biện pháp phòng vệ cần thiết, phù hợp với những nghĩa vụ được nêu trong Đạo luật quan hệ với Đài Loan, bởi vì chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề, bằng thái độ mà mọi người ở hai bờ eo biển Đài Loan có thể chấp nhận," ông Mattis nói.
Ông Mattis cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chính sách "Một Trung Quốc".
Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ tịch Học viện khoa học quân sự của Quân giải phóng nhân dân (PLA), trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc, chỉ trích rằng Mỹ không nên đem Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào chương trình nghị sự ở Shangri-La.
"Mattis không nên đề cập Đạo luật quan hệ với Đài Loan, mà nên nhắc đến 'Ba thông cáo chung' [giữa Mỹ và Trung Quốc Đại lục]," ông Hà trả lời bên lề diễn đàn. Ông cũng nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối Washington bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như có liên hệ chính thức với Đài Bắc.
Được thông qua thành luật vào năm 1979, Đạo luật quan hệ với Đài Loan quy định Mỹ phải bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này đứng trước mối đe dọa quân sự từ phía Đại lục.
Washington và Bắc Kinh cũng ký 3 thông cáo chung trong giai đoạn 1972-1982, nói rằng Mỹ thừa nhận "một nước Trung Quốc" ở hai bờ eo biển Đài Loan.
Một thành viên khác trong đoàn Trung Quốc, Đại tá Triệu Tiểu Trác, cho rằng ông James Mattis đã gửi tín hiệu sai đến các nhóm ủng hộ Đài Loan độc lập.
"Bài phát biểu của ông Mattis sẽ cổ vũ các phong trào nghiêng về độc lập ở Đài Loan, gây tổn hại cho việc phát triển hòa bình quan hệ giữa hai bờ eo biển," ông Triệu nói.
Từ trái qua: Bộ trưởng quốc phòng Nhật Tomomi Inada cùng đồng cấp Mỹ James Mattis, và Australia, bà Marise Payne trước cuộc họp ba bên ở Đối thoại Shangri-La hôm 3/6 (Ảnh: AP)
Theo SCMP, quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã lao dốc kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cùng đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) của bà lên nắm quyền hồi năm ngoái. Cho đến nay, chính quyền bà Thái vẫn chưa lên tiếng công nhận "Nhận thức chung 1992" giữa hai bờ, trong đó xác nhận chỉ có "một nước Trung Quốc", nhưng mỗi bên vẫn giữ khái niệm riêng về nhân tố cấu thành "Trung Quốc".
Đại biểu của Đài Loan dự Đối thoại Shangri-La, cựu lãnh đạo cơ quan quốc phòng Đài Loan, ông Dương Niệm Tổ đánh giá phát ngôn của tướng Mattis đã gửi một thông điệp mạnh đến cả Bắc Kinh và Đài Bắc.
"Washington muốn làm rõ rằng, cam kết duy trì ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường quan hệ đối tác đồng minh sẽ không loại trừ Đài Loan," ông Dương nói.
Ông này nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là một phần rất quan trọng của quan hệ Mỹ-Trung trong "khuôn khổ một Trung Quốc".
Nhưng ông Dương cũng nói rằng "chính quyền Thái Anh Văn cần tránh suy diễn quá mức về tuyên bố của ông Mattis để tránh gây ra hiểu lầm rằng Washington và Đài Bắc đã thông đồng để đưa Bắc Kinh vào thế khó xử".
Song song với vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Mattis cho biết Mỹ được khích lệ bởi những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Mỹ sẽ không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa (phi pháp) trên các đảo đá ở biển Đông.
Ông Mattis cùng các đồng cấp Nhật Bản, bà Tomomi Inada và Australia, bà Marise Payne, cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc thay đổi hiện trạng biển Đông.
Hải Võ