Độc đáo nghề vẽ sáp ong trên vải của người Mông Lai Châu
Lưu giữ nghề làm hương của người Mông ở Lai Châu Tuy chịu tác động của nền kinh tế thị trường nhưng đồng bào Mông ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn lưu giữ được nghề làm hương truyền thống. Làm nghề này giúp người dân có thêm thu nhập, tạo nét văn hóa riêng của đồng bào Mông nơi vùng cao biên giới. |
Độc đáo phong tục ăn Tết của dân tộc Si La ở Lai Châu Mặc dù là một tộc người có ít nhân khẩu nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhưng đồng bào Si La lại có nền văn hóa khá phong phú, mang tính đặc trưng riêng, nổi bật là Tết cổ truyền. |
Đồng bào Mông ở Lai Châu - Tây Bắc có rất nhiều nghề thủ công truyền thống và mỗi nghề đều chứa đựng những câu chuyện kể về thế giới quan mang đậm nét vùng miền. Đây cũng là lý do nghề thủ công truyền thống vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải đã và đang được đồng bào tích cực gìn giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác.
Mỗi bản vẽ họa tiêt bằng sáp ong là độc bản dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. |
Chị Hảng Thị Giàng, ở bản Pá Khoang, xã Pha Mu, huyện Than Uyên tự hào chia sẻ, đa số phụ nữ trong bản của chị đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Nghề truyền thống này đã được các chị, các mẹ trao truyền cho con cháu khi mới 12-13 tuổi và đây được coi là tiêu chuẩn của phụ nữ trước khi lấy chồng. Các bức họa tết vẽ đẹp hay xấu phụ thuộc vào sự khéo tay của người vẽ, các họa tiết trên vải là “độc bản”.
"Từ khi sinh ra đã thấy các bà, các mẹ vẽ sáp ong trên vải rồi, lớn lên cũng được truyền dạy từ bà, chị gái và học hỏi của chị em họ hàng ở trong bản. Khi được truyền dạy và biết làm thì mình thường xuyên làm để giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Việc vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải sẽ truyền dạy cho con cháu, để con cháu biết làm và tiếp tục giữ gìn bản sắc dân tộc".
Nghề vẽ họa tiết bằng sáp ong trên vải được lưu truyền qua các thế hệ phụ nữ dân tộc Mông ở Lai Châu. |
Để hoàn thành một bộ váy áo từ vải lanh, phụ nữ Mông phải làm rất nhiều công đoạn cầu kỳ, phức tạp, cần sự khéo léo, kiên trì và thời gian. Trong đó, công đoạn quan trọng nhất, quyết định cả thẩm mỹ và giá trị vật chất là khâu tạo họa tiết hoa văn. Nguyên liệu để vẽ là sáp ong có màu vàng và màu đen khi đã lấy hết mật và được trộn đều tương ứng với độ đậm nhạt màu sắc. Sáp ong được mang ra nấu chảy, mặt vải được miết thật phẳng và được người dân dùng bút tre tự tay thiết kế để vẽ.
Phụ nữ Mông đều tự vẽ và may cho mình những bộ váy áo mới mỗi dịp tết đến xuân về. |
Anh Giàng A Tủa, ở bản Huổi Bắc, xã Pha Mu, huyện Than Uyên cho biết: "Nghề vẽ hoa văn bằng sáp ong là một nghề truyền thống thủ công, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ quyết tâm cùng nhau bảo vệ và phát huy tài hoa, tinh tế và khéo léo của người phụ nữ Mông. Đặc biệt là giúp cho thế hệ phụ nữ trẻ nối tiếp và hiểu được văn hóa của dân tộc Mông".
Tỷ mẩn, kỳ công và đòi hỏi sự sáng tạo, vì vậy để hoàn thành các tấm vải đủ cho một bộ váy áo, người phụ nữ Mông phải mất vài tháng, thậm chí cả năm để làm. Sau khi vẽ xong, các tấm vải sẽ được mang đi luộc, nhuộm chàm và phơi nắng mới hoàn chỉnh. Kỳ công là vậy, nhưng mỗi chị em phụ nữ Mông vẫn luôn cần mẫn giữ gìn theo năm tháng.
Vẽ họa tiết bằng sáp ong là một trong các tiêu chuẩn của người phụ nữ Mông trước khi lấy chồng. |
Ông Hoàng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Pha Mu, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách khuyến kích bà con duy trì và lưu truyền các nghề truyền thống; Đảng ủy xã đã ban hành hẳn 1 nghị quyết về xây dựng bản văn hóa cộng đồng, gắn với nghề vẽ sáp ong để thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm.
"Hiện nay trên địa bàn xã Pha Mu có khoảng 50 phụ nữ từ 15 đến 45 tuổi đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Nghề vẽ sáp ong này hiện đang được truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu, thực hành trực tiếp do người phụ nữ lớn tuổi truyền dạy. Để bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống này, hàng năm xã thường tổ chức các cuộc thi cho các thí sinh trình diễn trang phục dân tộc, rồi thi dệt và thi và sáp ong. Vì vậy, loại hình tri thức dân gian mang bí quyết nghề và tính mỹ thuật cao này vẫn đang được giữ gìn và phát huy.
Các họa tiết được vẽ trên mặt vải là tượng trưng cho sự biến chuyển của mặt trời, theo từng không gian, thời gian và mang đậm nét văn hóa riêng có của đồng bào Mông ở Lai Châu. Trong bối cảnh du nhập của nhiều nền văn hóa, nghề vẽ sáp ong trên vải vẫn đang được chị em phụ nữ Mông nơi đây gìn giữ, lưu truyền bằng tất cả niềm tin, niềm tự hào và khát vọng về những điều tốt đẹp nhất.