Độc đáo lễ hội Đập trống của người Ma Coong ở Quảng Bình
Thanh niên bản chen chúc đập trống lấy may đầu năm. Ảnh minh họa/ Nguồn: Báo Công an nhân dân |
Đêm 16 tháng Giêng hằng năm, người Ma Coong lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Đập trống. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng đặc trương của người Ma Coong bên dãy Trường Sơn. Đồng thời, lễ hội cũng chính là dịp để cúng Giàng, cầu mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng tốt tươi, cuộc sống an bình hạnh phúc, là ngày dành cho những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò, trao nhau hẹn ước...
Hội đập trống này cũng có một truyền thuyết riêng. Đó là câu chuyện về con khỉ đột đến phá làng phá xóm. Giàng báo mộng cho người già trong làng, bảo rằng phải đập trống mà xua đuổi nó đi. Từ đó, hội đập trống ra đời...
Theo thông lệ, sáng ngày này, mọi người đều dậy rất sớm, chuẩn bị cho ngày hội mỗi năm chỉ có một lần, người lo làm trống, người lo chỗ ăn chỗ ngủ cho những người anh em các bản khác về dự hội. Mỗi năm trống sẽ được căng da một lần và được dùng trong một đêm. Sau đó người ta lại tháo bỏ lớp da, cất tang trống vào nhà già làng.
Hội đập trống bắt đầu sau khi già làng kết thúc nghi lễ “cúng Giàng”. Theo lệ, già Đinh Xon đứng trong lán-lễ-đài rắc muối gạo ra xung quanh, nói mấy câu động viên dân làng cố gắng chăm chỉ làm ăn thì thóc lúa sẽ đầy bồ, khoai sắn đầy nương, con cái không ốm đau bệnh tật.
Khi tiếng trống khai hội vang lên, mọi người xúm lại quanh các ché rượu cần, trai tráng đua nhau trổ tài đánh trống, gõ chiêng, những người khác thì nhảy múa, hát hò quanh các đống lửa. Tiếng trống rộn ràng, dồn dập náo động giữa đại ngàn Trường Sơn cho tới khi mặt trống thủng chứng tỏ lòng thành của người Ma Coong với đất trời.
Sau lễ cúng của già làng Đinh Xon, bà con dân bản cùng uống rượu mừng mùa trăng mới, tham gia đập trống trong không khí vui tươi của mùa xuân mới.