Doanh nghiệp Việt Nam: Không nên bứt phá lớn rồi sớm "bỏ cuộc chơi"
Cản trở lớn nhất của DN vừa và nhỏ
Thực trạng hiện nay, các DN nhỏ và vừa khi xây dựng thể chế, chính sách đã có bước tiến lớn. Tuy thể chế được cải thiện nhưng số lượng đăng ký DN và DN thực chất hoạt động chỉ khoảng 54% (theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê). Điều này không có nghĩa thể chế không được cải thiện mà thể hiện rõ ràng rằng bối cảnh bên ngoài cạnh tranh giữa các DN khốc liệt hơn nhiều.
Trước những thắc mắc về khó khăn lớn nhất của DN tư nhân hiện nay (cụ thể là DN nhỏ và vừa), ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến: “DN nhỏ và vừa của Việt Nam có một số bộ phận không nhỏ thành lập DN để thoát nghèo. Về việc DN có muốn lớn hay không thì thấy rằng, hiện nay đại bộ phận DN nhỏ và vừa thì khu vực nào, quy mô nào hoạt động hiệu quả nhất sẽ là câu trả lời mang tính quyết định.
Quang cảnh buổi Toạ đàm.
Quan sát cơ chế bên trong thì thấy rằng, muốn lớn, muốn tăng trưởng thì doanh nghiệp đều phải dựa vào một số nền tảng rất quan trọng: Phải dựa vào công nghệ mới và sự sáng tạo; Phải có chiến lược mang tính phù hợp; Phải có đội ngũ cán bộ có năng lực. Đây là 3 yếu tố đồng thời quyết định DN có muốn lớn hay không. 3 yếu tố này không thể một mình làm được, vì vậy nên có muốn lớn được hay không thì phải có thời điểm DN xuất hiện được những yếu tố, nền tảng đó.
Về cản trở lớn nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi vừa nói khu vực hiệu quả nếu nói theo luật nằm ở khoảng 24 lao động thì một trong những cản trở nhất cần được nhắc đến đó là tính liêm chính của cơ quan thi hành cơ sở. Đây là trở ngại lớn nhất làm cho doanh nghiệp sợ hay không sợ, lớn hay không lớn”.
Bên cạnh thực trạng cạnh tranh khốc liệt ngoài thị trường, vẫn có những tư nhân của Việt Nam bứt hẳn lên, dần khẳng định vị thế ở thị trường trong nước và nỗ lực vươn sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên khó có thể phủ nhận rằng thị trường cạnh tranh của các DN Việt Nam đã khốc liệt, việc phải cạnh tranh với DN nước ngoài, thương hiệu quốc tế còn khó khăn hơn trong thời kỳ hội nhập.
Để doanh nghiệp Việt thực sự chinh phục được người Việt
Chúng ta vẫn luôn nói về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng làm sao để DN Việt thực sự chinh phục được người Việt?
Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ tại Toạ đàm.
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng: “Hiện nay khái niệm về các sản phẩm nước ngoài tốt hơn các sản phẩm Việt Nam là việc rất hiển nhiên. Một trong những việc Tân Hiệp Phát băn khoăn là khi có một vấn đề gì đó về các sản phẩm Việt Nam thì người ta sẽ nghĩ ngay rằng cái đó là làm ăn gian dối. Nhưng điều đó xảy ra với một số DN nước ngoài thì chúng ta lại nhìn nhận là có thể có vấn đề gì đó hoặc thông tin không chính xác. Bởi vậy, các DN ngày càng phải nỗ lực để chứng minh sản phẩm Việt là sản phẩm tốt và DN Việt đang làm tốt”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ quan điểm: “Nói đến DN tư nhân, người ta thường nói đến quyền tự chủ, quyền tự định đoạt, quyền tự chịu trách nhiệm trước hoạt động kinh doanh của mình bằng tất cả những tài sản mình có. Chính vì vậy, vai trò quan trọng của người chủ DN rất quan trọng, thể hiện sự quyết đoán, nhanh nhạy, hành động phản ứng nhanh trong cơ chế thị trường. Nhờ hành lang pháp lý, nhiều doanh nghiệp đã có thành công nhất định trong thương trường trường như Tân Hiệp Phát, Vin group, TH True milk...
Tôi rất đồng tình và chia sẻ với ý kiến của bà Trần Uyên Phương về giữ gìn thương hiệu Việt. Tôi thấy rằng, một số DN lớn, tạo nên tên tuổi, thương hiệu như Big C, bánh kẹo Kinh đô sớm “bỏ cuộc chơi”, nhượng lại cho nước ngoài. Còn ngược lại đối với Tân Hiệp Phát, bên cạnh xây dựng thương hiệu đã có, họ còn cố gắng giữ gìn, phát triển thương hiệu Việt, đó là sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, tôi rất ngưỡng mộ”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Từ chính hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể với Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương chia sẻ quyết định tận dụng lợi thế, những yếu tố thuận lợi quyết định nên thành công cho DN tư nhân.
“Một trong yếu tố thuận lợi DN tư nhân có là quyền tự chủ và quyền định đoạt tất cả những tài sản mình có. Ví dụ khi phải cân đối giữa những quyết định chiến lược ngắn hạn và dài hạn, nếu bây giờ Tân Hiệp Phát có những cổ đông khác hay Tân Hiệp Phát lên sàn thì đây sẽ một bài toán rất khác khi chúng tôi phải cân nhắc về việc chi trả cho cổ đông như thế nào.
Gần đây, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có nói, hiện chúng ta ở giai đoạn không phải đuổi kịp DN nước ngoài nữa. Bây giờ biên giới không còn ranh giới rõ ràng nữa, Việt Nam là một quốc gia tiềm năng, cơ hội cho các nước đầu tư. Vấn đề là chuẩn bị thế nào với tình hình cạnh tranh ngày càng lớn như thế. Chúng ta hiện phải dùng từ sánh vai hoặc vượt lên chứ không phải ở vị thế bắt kịp nữa. Đó là những cái tôi cho rằng hiện nay DN tư nhân đang có lợi thế về những khía cạnh đó.
Một trong những cái tôi tâm đắc đó là chúng ta nói đến DN đầu đàn, làm sao có chính sách cho DN muốn lớn? Tìm ra được DN muốn lớn đã khó, nhưng có chính sách hỗ trợ cho họ như thế nào cũng rất quan trọng. Bởi, xây dựng được một DN có được nội lực, năng lực để cạnh tranh với các DN khác cũng là cả một quá trình”, nữ doanh nhân nói.
P. Hà