Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba
Quang cảnh buổi Hội thảo. |
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích, cung cấp thông tin về Hiệp định thương mại Việt Nam, đặc biệt là các cam kết ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ hàng hoá, song song với đó là cung cấp các thông tin cập nhật về thị trường, đưa ra những phân tích, nhận định và giải pháp để giúp các doanh nghiệp có thể định hướng được chiến lược tiếp cận thị trường bài bản và thuận lợi hơn, tận dụng những ưu đãi và hiệp định thương mại mang lại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công thương) khẳng định trải qua 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba, hai dân tộc đã tạo được mối quan hệ đoàn kết và hợp tác trên tất cả lĩnh vực, có thể nói là hình mẫu trong quan hệ quốc tế. Về thương mại, Cuba luôn là 1 trong 10 thị trường trọng điểm của Việt Nam tại khu vực Mỹ La tinh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt khoảng 226,81 triệu đô la Mỹ, trong đó có Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt 221,62 triệu USD và nhập khẩu từ Cuba đạt 5,19 triệu USD.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 102 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba 100 triệu USD và nhập khẩu 2 triệu USD. Tuy vậy, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với quan hệ truyền thống tốt đẹp và tiềm năng sẵn có.
Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba được ký tại Hà Nội ngày 9/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020 với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới. Theo đó hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm, Hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là sẽ tạo ra đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cuba.
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công thương) phát biểu tại Hội thảo. |
“Hiệp định chính là một trong những thành quả của nỗ lực tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt đây là Hiệp định thương mại đầu tiên mà Cuba ký với một quốc gia Châu Á. Hiệp định được kỳ vọng sẽ từng bước nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Cuba ngang tầm với quan hệ chính trị song phương tốt đẹp, điều này có cơ sở bởi vì Cuba là thị trường với mức tăng trưởng GDP ổn định, có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu không mang tính cạnh tranh mà chủ yếu bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam” - bà Võ Hồng Anh nhấn mạnh.
Mặc dù hiện tại quan hệ thương mại song phương mình đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhưng nếu chúng ta tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định biết chớp thời cơ đi trước, đón đầu thì cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường là rất tích cực. Doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng thị trường Cuba là đầu mới để mở đường cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực lân cận và các nước Mỹ Latinh.
Tại Hội thảo, đại diện các bộ ban ngành đã giới thiệu những nét tổng quan về Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba bao gồm những ưu đãi thuế quan Việt Nam dành cho Cuba và ngược lại cũng như các lưu ý với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng được nghe trình bày về nội dung các cam kết về quy tắc xuất xứ và hướng dẫn vận dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng vào thị trường Cuba.
Về phía Cuba, bà Irmina Perojo Bellido de Luna, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam cũng đã giới thiệu với các doanh nghiệp và khách mời về chính sách về thương mại và đầu tư của Cuba dành cho công ty nước ngoài và giới thiệu về Đặc khu phát triển kinh tế Mariel.
Bà Irmina Perojo Bellido de Luna, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam. |
Cũng tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Cuba đã gửi đến các cơ quan chức năng nhiều câu hỏi với kỳ vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường tiềm năng này.
Chia sẻ về kinh nghiệm khi làm ăn, kinh doanh tại Cuba, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Bình - doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Cuba đã chỉ ra những thuận lợi cũng như khó khăn.
Theo đó, tuy hàng Việt Nam chất lượng nhưng mức thuế quan cũng như vị trí địa lý xa xôi (hàng hoá từ Việt Nam sang Cuba mất từ 45-60 ngày) khiến cho chi phí vận chuyển đắt đỏ cũng gây giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó tính chất thị trường Cuba là có quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng khá dài khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị động trong việc chuẩn bị nguyên liệu cũng như kế hoạch sản xuất.
“Một trong những khó khăn đáng chú ý nhất là khó khăn chủ quan như việc thanh toán các đơn hàng xuất khẩu sang Cuba thường trong thời gian 360 ngày, nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu trong năm nay, nhưng sang năm kế tiếp mới có thể nhận được thanh toán. Điều này khiến doanh nghiệp phải trích tiền trước đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy hy vọng Bộ Công Thương cũng như các bộ ban ngành liên quan nghiên cứu chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Cuba có thể đóng thuế chậm, chờ đến khi đối tác thanh toán” - ông Thuận bày tỏ.