Doanh nghiệp Việt cần liên hệ đối tác xuất khẩu gạo để kiểm tra tình trạng hàng hóa
Đây là những nội dung được Bộ Công thương lưu ý các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trước việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo.
Trong Văn bản số 584/XNK-NS ngày 21/7/2023 gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến nghị: Các thương nhân cần thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, việc thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.
Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm: lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; Lô hàng đã được chuyển cho hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023. |
Đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả. Chủ động trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, báo cáo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cung ứng, lưu thông thóc, gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Cùng ngày, Cục Xuất Nhập khẩu cũng đã có Văn bản só 585/XNK-NS gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Văn bản đề nghị Hiệp hội tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam… tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Cục cũng đề nghị Hiệp hội này yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN). |
Hiệp hội tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo thường. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Lệnh dừng xuất khẩu gạo được Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong vòng 1 năm qua và 3% chỉ trong tháng vừa qua. Các diễn biến thời tiết không thuận trong vụ lúa xuân hè càng thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này. Lượng mưa sụt giảm tại các bang nông nghiệp quan trọng như Bibar, Odisha, Jharkhand. Lệnh dừng xuất khẩu được cho là nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực trong nước và giúp kiểm soát lạm phát.
Với vai trò là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thị trường toàn cầu, quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể gây ra xáo trộn về giá trên thị trường quốc tế.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5/2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ. |