Doanh nghiệp Việt cần làm gì để chinh phục thị trường Nhật?
Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Riêng về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Cho đến nay, Nhật Bản đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam. Đơn cử như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đây là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp tục thâm nhập và nâng cao thị phần tại thị trường Nhật Bản, nhất là các sản phẩm nông-thủy sản, thực phẩm, dệt may, da dày và đồ gỗ.
Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON Lake Town ở Saitama (Nhật Bản) (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN). |
Phát biểu tại tọa đàm Giải mã thị trường Nhật Bản - Cơ hội nào cho xuất khẩu của Việt Nam do khoa Kinh tế Quốc tế (Học viện Ngoại giao) tổ chức vào ngày 10/3 tại Hà Nội, TS Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng: Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phổ biến thông tin về thị trường; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các ưu đãi thị trường (thuế, hạn ngạch…), tìm hiểu đối tác; chủ động tìm kiếm đối tác kinh doanh (đầu tư, tiếp cận kênh phân phối...); chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất theo tiêu chuẩn nhập khẩu; nâng cao kỹ năng quản lý xuất xứ hàng hóa, quản lý nguyên liệu đầu vào để hưởng ưu đãi.
Trong khi đó, từng chia sẻ với báo chí, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản nổi tiếng phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt. Đơn cử, hầu như mọi chuỗi siêu thị của Nhật Bản không nhập khẩu hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài, mà mua qua các đầu mối nhập khẩu lớn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài phải thiết lập được mối quan hệ tốt với các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản.
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cho các công ty thương mại và các nhà bán buôn Nhật Bản. Việc tiếp cận các kênh khác như hệ thống cửa hàng bán lẻ, các nhà chế biến công nghiệp còn rất hạn chế. Hiện, hầu hết các công ty Việt Nam chưa có hệ thống đại diện hoặc chi nhánh tại thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, thị hiếu tiêu dùng và văn hóa kinh doanh của người Nhật rất đặc thù. Khi mua hàng thì chất lượng là yếu tố được người dân Nhật Bản quan tâm nhất. Do hàng hóa nội địa của Nhật có chất lượng cao, nên tâm lý tiêu dùng của người Nhật là luôn đòi hỏi các sản phẩm (kể cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài) phải có chất lượng tốt. Người Nhật cũng rất chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng… của sản phẩm.
Chính vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật cần tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm, song song với với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý, về văn hóa kinh doanh, khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần mang theo danh thiếp, catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu… Cần đảm bảo đúng giờ và giữ lời khi đã hứa hẹn một việc gì đó với đối tác. Thông thường, thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản không hề đơn giản, nhiều trường hợp phải có sự giới thiệu của bên thứ 3 uy tín thì doanh nghiệp Nhật mới tin tưởng.
Khi đã có quan hệ làm ăn với đối tác Nhật, doanh nghiệp cần chú trọng duy trì quan hệ đó lâu dài, bền vững. Trong quá trình đàm phán/trao đổi, đối tác Nhật có thể đưa ra các yêu cầu như thay đổi mẫu mã hoặc kích thước sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người Nhật.... doanh nghiệp Việt Nam nên cố gắng tích cực đáp ứng những yêu cầu đó. Nếu những đòi hỏi phía đối tác đưa ra quá khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam có thể trao đổi lại cụ thể để tìm ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất.