Doanh nghiệp ngành nước đẩy mạnh M&A, tiếp tục đặt kế hoạch lãi lớn năm 2023
Ngành nước được đánh giá có khả năng tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu và giá tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cùng với động thái đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu nước sạch trong tương lai.
Theo SSI Research trong năm 2022, nhu cầu sử dụng nước hộ gia đình tăng 5% so với cùng kỳ và nhu cầu sử dụng nước công nghiệp cũng tăng 5-8% so với năm 2021. Giá bán nước bình quân trong năm 2022 tăng 3% so với cùng kỳ và tỷ lệ thất thoát nước bình quân (yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới các doanh nghiệp phân phối nước) cũng giảm từ 18,7% vào năm 2021 xuống 17,5% vào năm 2022.
Năm 2023, SSI Research dự báo nhu cầu nước tiếp tục tăng trưởng ổn định 5% so với cùng kỳ, giá bán lẻ nước sạch bình quân tăng 3-5% so với cùng kỳ. Hiệu quả hoạt động của các công ty phân phối nước tiếp tục được cải thiện và xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong trung hạn. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình dự kiến sẽ giảm từ 17,5% vào năm 2022 xuống còn 16,5% vào năm 2023.
Với những yếu tố hỗ trợ như vậy, nhiều “ông lớn” ngành nước đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
Mục tiêu lãi hàng trăm tỷ đồng năm 2023
Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vừa công bố, CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 3.970 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ và LNST tối thiểu 720 tỷ đồng, giảm 3,6% so với thực hiện trong năm 2022. Tỷ lệ thất thoát nước dự kiến dưới 5%, nước thương phẩm tối thiểu 186 triệu m3.
Trong lĩnh vực cấp nước, công ty tiếp tục đầu tư mạng lưới ống truyền tải và phân phối đến các vùng sâu, vùng xa, phát triển công tác đấu nối khách hàng nhằm cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, sản xuất ngày càng nhiều hơn và để phát huy tối đa công suất tại các nhà máy nước Tân Hiệp, Dĩ An, Uyên Hưng, Nam Tân Uyên, Đất Cuốc, Chơn Thành.
Công ty sẽ tập trung đẩy nhanh mở rộng mạng lưới cấp nước Bàu Bàng, Chơn Thành - Bình Phước. Đồng thời, mở rộng phạm vi tỉnh Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh lân cận khác như khu vực Cần Thơ, Long An và Quảng Bình.
Đối với lĩnh vực xử lý chất thải, công ty sẽ tăng cường thu gom và xử lý hết lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng cao của nhà máy xử lý chất thải như thi công hoàn thành phát huy công suất dây chuyền xử lý rác thành phân hữu cơ, công suất 840 tấn/ngày giai đoạn 4 và lò đốt rác, công suất 200 tấn/ngày. Nghiên cứu mở rộng thị trường ở những nơi chiến lược…
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn tài chính phục vụ nhu cầu sản xuất và nhu cầu đầu tư nâng công suất tại các công ty con, công ty liên kết, công ty cấp nước mà Biwase tham gia góp vốn, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Biwase dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ hoặc huy động vốn bằng hình thức khác phù hợp ngay trong năm 2023 (Biwase hiện có vốn điều lệ 1.929 tỷ đồng).
Trong khi đó, một công ty liên kết của Biwase là CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã TDM) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 642 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 298 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, nước sản xuất ước tính là 76,82 triệu m3, tăng 10% và nước tiêu thụ ước đạt 76,23 triệu m3, tăng 10% so với cùng kỳ.
Về kế hoạch mở rộng, năm 2023, TDM dự kiến tiếp tục làm việc với các sở ban ngành để được cấp phép thi công tuyến ống nước thô D1600mm tại Nhà máy nước Dĩ An. Đồng thời, hoàn thiện thi công tuyến ống nước thô tự chảy thuộc Nhà máy nước Bàu Bàng D2.400L=1.200m và chuẩn bị kế hoạch đầu tư tuyến ống nước thô D1500 (từ trạm nước thô về nhà máy xử lý Bàu Bàng).
Ngoài ra, công ty cũng dự định tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng thành 1.100 tỷ đồng nhằm đầu tư vào những doanh nghiệp cùng ngành có tiềm năng và phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính.
Tìm động lực tăng trưởng từ M&A
Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược M&A cũng là một phần trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Biwase. Doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất ngành nước cho biết, đang hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để thanh toán và chuyển chủ sở hữu các công ty mua lại của DNP Water ở Long An, Quảng Bình. Nếu có cơ hội tốt, Biwase cũng sẽ đầu tư vào lĩnh vực cấp nước và rác thải tại những nơi có tiềm năng.
Trước đó, trong năm 2022, Biwase đã mua lại cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2, qua đó đưa hai doanh nghiệp này trở thành công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu đến cuối năm 2022 lần lượt là 24,64% và 48,86%. Cũng đến cuối năm 2022, Biwase đã đầu tư và nâng dần tỷ lệ sở hữu tại hai doanh nghiệp cùng ngành là CTCP Cấp nước Gia Tân và CTCP Cấp nước Đồng Nai lên lần lượt 31,52% và 18,53%.
Đến tháng 2/2023, HĐQT Biwase tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần của 5 doanh nghiệp công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An và Quảng Bình, gồm: CTCP Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, CTCP Công trình đô thị Châu Thành, CTCP Công trình đô thị Cần Giuộc, CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm, CTCP Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Với dự kiến mua từ 50% đến 100% số cổ phần có quyền biểu quyết của mỗi doanh nghiệp, nếu hoàn thành, các công ty này sẽ trở thành công ty con của Biwase.
Đáng chú ý, 3/5 doanh nghiệp trên là các công ty con sở hữu gián tiếp của CTCP DNP Holdings (mã DNP). Tiền thân của DNP Holdings là CTCP Nhựa Đồng Nai chuyên sản xuất ống nhựa, kinh doanh phụ kiện cấp thoát nước. Tuy nhiên, từ năm 2014 doanh nghiệp này đã đẩy mạnh M&A loạt doanh nghiệp ngành nước và trở thành một trong những doanh nghiệp sở hữu năng lực sản xuất và mạng lưới phân phối nước sạch lớn nhất cả nước.
Hệ thống nhà máy và mạng lưới phân phối nước của một số "ông lớn" ngành nước - Nguồn: SSI Research |
Trong năm 2022, DNP Holdings tiếp tục mở rộng các nhà máy nước trên địa bàn với kỳ vọng dòng tiền ổn định khi đi vào hoạt động. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác là CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) cũng duy trì đầu tư vào các nhà máy nước tại TP.HCM, nơi có nhu cầu dồi dào, mức tiêu thụ cao và hoạt động ổn định.
Theo nhận định của SSI Research, nhu cầu tiêu thụ nước tăng trưởng ổn định ở mức 5-8% so với cùng kỳ hàng năm, nhưng các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong ngành có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua giao dịch M&A.
Các doanh nghiệp lớn sau khi phát triển hết dung lượng thị trường địa phương, thường sẽ phải tiến hành M&A các công ty ở tỉnh, thành khác để tiếp tục tăng trưởng, đồng thời chuyển giao khả năng quản lý thất thoát nước ở mức thấp của mình sang các doanh nghiệp M&A đó.