Doanh nghiệp Cần Thơ kêu thiếu vốn, lao động chất lượng cao
Thủ tướng kêu gọi nông dân đổi mới để tự cứu mình |
Cổng Dịch vụ công quốc gia vận hành sẽ tiết kiệm tới 4.222 tỷ đồng/năm |
Nhà máy rác hàng trăm tỷ hoạt động cầm chừng vì thiếu kinh phí |
Đó là vấn đề được doanh nghiệp đưa ra tại buổi “Tọa đàm đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn TP.Cần Thơ” do UBND TP.Cần Thơ, chiều 12/12.
Lãnh đạo TP.Cần Thơ trao đổi lắng nghe khó khăn kiến nghị của doanh nghiệp. |
Ông Phạm Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh cho rằng: “Đối với các doanh nghiệp lúa gạo cần một lượng vốn tập trung lớn, đặc biệt là lượng vốn để thực hiện quy hoạch bao tiêu cánh đồng. Chúng tôi muốn xuất khẩu vào những thị trường khó tính thậm chí là thị trường trước đây chiếm phần lớn lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc - cũng cần có truy xuất nguồn gốc. Nếu không có nguồn vốn chủ động chúng tôi không thể làm được. Nếu chúng tôi có thể phát triển đầu tư vùng nguyên liệu theo công nghệ 4.0 thì đề nghị hỗ trợ vốn” - ông Quang kiến nghị.
Ông Quang cho biết thêm, hiện đa số các công nghệ của các nhà máy chế biến lúa gạo bây giờ đã lạc hậu. Cần đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất đi Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. “Chúng tôi cần vốn hơn là cần giảm lãi suất vì không có vốn không hoạt động được, không thể áp dụng công nghệ 4.0, không thể thu mua lúa gạo cho bà con”.
Những người vận hành thiết bị máy móc đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thực tế có khi không học đến lớp 3, lớp 4. |
Ngoài vấn đề vốn, doanh nghiệp này còn trăn trở về vấn đề thiếu lao động chất lượng cao. “Chúng tôi thiếu trầm trọng về lao động chất lượng cao; những người vận hành thiết bị máy móc đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thực tế có khi không học đến lớp 3, lớp 4; đó là vấn đề làm chúng tôi cảm thấy rất đau lòng. Chưa kể đội ngũ cán bộ yếu sẽ dẫn đến toàn bộ hệ thống xay xát chế biến sẽ hao hụt rất lớn…”- ông Quang nêu.
Còn, ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Nông sản sạch Đại Thuận Thiên cho rằng, Cần Thơ là trung tâm đồng bằng có lợi thế về con người, công nghệ; nơi tập trung các nhà đầu tư. “Mong thành phố quy hoạch Chợ nổi Cái Răng vì đó là điểm nhấn rất lớn của thành phố (thu hút các du khách chuyên gia trong và ngoài nước). Chợ nổi rất đẹp trên hình ảnh nhưng đi thực tế người ta rất thất vọng và người ta nói những câu mà chúng tôi rất đau xót. Tôi mong là thành phố chú ý đến điểm nhấn này, điểm thu hút nhiều doanh nghiệp đến làm việc và nghỉ ngơi…” - ông Cung nói.
Vấn đề nguồn lao động có trình độ tay nghề, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, thành phố đào tạo ra rất nhiều nguồn nhân lực cho địa phương và các tỉnh trong khu vực. “TP. Cần Thơ là trung tâm đào tạo. Hiện tại TP.Cần Thơ có 2 trường đại học cấp quốc gia, 4 trường đại học cấp thành phố, 8,9 trường cao đẳng đào tạo nhưng thừa thầy thiếu thợ”.
ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ trao đổi với doanh nghiệp tại buổi tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho hay, nếu doanh nghiệp có cần nhu cầu lao động thì liên hệ trực tiếp với Sở, Sở sẽ cố gắng tạo nguồn lao động cho đủ theo nhu cầu doanh nghiệp.
Năm 2019 thành phố đã đạt được kết quả khá toàn diện so với chỉ tiêu đề ra. Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục lan tỏa. Ước khoảng gần 1.500 doanh nghiệp đã đăng ký mới trong năm 2019 với số vốn đăng ký khoảng 12.000 tỷ. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 8.800 doanh nghiệp; trong đó, có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế, đang từng bước khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh. TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục giải quyết đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. |