Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang Nhật
Ngày 29/3, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Chương trình hỗ trợ Thương mại, Đầu tư Trung tâm ASEAN- Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu thị trường Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản.
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, hàng Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON Lake Town ở Saitama (Nhật Bản). Ảnh: TTXVN |
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân đầu người khoảng 43.000 USD/người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản từ thế giới.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại tại thị trường này cho hay, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn với các sản phẩm nông thuỷ sản-thực phẩm nước ngoài như cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê...
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng này và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Dù vậy, theo ông Tạ Đức Minh, dù theo đuổi chính sách thương mại tự do là cắt giảm thuế quan theo tinh thần của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhưng Nhật Bản vẫn áp dụng cơ chế phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, hàng hoá nước ngoài muốn nhập khẩu vào Nhật Bản bắt buộc phải có giấy chứng nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn đã đặt ra.
Đơn cử như hàng nông lâm thuỷ sản cần đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS-tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật.
Cùng với đó chi phí ăn ở, đi lại cũng như vận tải hàng hoá, gửi hàng mẫu tại thị trường này tương đối tốn kém. Mặt khác, người tiêu dùng rất quan tâm chất lượng, tiếp đến là giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm.
Đáng lưu ý, văn hoá đặc thù của người Nhật Bản là khi gặp gỡ đối tác lần đầu tiên cần mang theo danh thiếp, catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu nhằm giới thiệu bản thân và tạo niềm tin cho đối tác.
Hơn nữa, hầu hết nhân viên của các công ty tại Nhật Bản không làm việc vào cuối tuần và ngày nghỉ, công việc cũng thường liên lạc qua email hoặc điện thoại công ty chứ không phải bằng điện thoại di động.
Chính vì vậy, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu khi trao đổi với Thương vụ hoặc đối tác cần có sự chuẩn bị chu đáo về hồ sơ công ty, catalogue... để tạo sự tin cậy với đối tác.
Đặc biệt, Thương vụ thường đăng tải thông tin về hội chợ, triển lãm tại website vietnamexport.com hoặc các trang mạng xã hội, website riêng của Thương vụ.
Trong trường hợp do dịch COVID-19 doanh nghiệp không sản trực tiếp tại Nhật có thể gửi hàng mẫu để trưng bày tại phòng mẫu của Thương vụ nhằm giới thiệu tới đối tác Nhật Bản khi họ tới làm việc, hoặc trưng bày tại các triển lãm lớn vẫn được tổ chức tại Nhật với đầu mối là Thương vụ.
Liên quan đến việc xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số đặc điểm đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng có hiệu quả và mang tính bền vững. Cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP...). Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam.
Các sản phẩm hàng Việt trước tiên cần luôn đảm bảo chất lượng tốt để đáp ứng các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản; đồng thời cũng cần có sự đa dạng về khẩu vị cho phù hợp với người Nhật, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút người tiêu dùng (ví dụ như có nhãn mác ghi bằng tiếng Nhật giới thiệu chi tiết thông tin sản phẩm để tạo niềm tin của người mua hàng). Bên cạnh đó công tác tuyên truyền giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm cũng cần được chú trọng nhiều hơn nữa.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông - thủy sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản đạt 20,1% tỷ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 22,6 tỷ USD, tăng 11,3%. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản có mức tăng trưởng tốt với 19,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 294,8 triệu USD. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ như: Hạt tiêu tăng 174,8% so với cùng kỳ năm 2021; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 82,7%; cà phê tăng 47,4%, hạt điều tăng 23,6%.... |