Đoàn xe tăng T-90S Việt Nam "rồng rắn" từ cảng về đơn vị như thế nào?
Như đã phân tích ở bài trước, nhiều khả năng những chiếc xe tăng T-90S mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga sẽ về nước bằng đường biển và công tác tiếp nhận sẽ được tiến hành ngay sau khi tàu cập cảng. Vận chuyển bằng đường biển có nhiều lợi thế đó là giá rẻ, mang được số lượng lớn, kể cả đó là hàng siêu trường siêu trọng.
Theo thông lệ của các hợp đồng mua sắm vũ khí trước đó của Việt Nam với Nga, giá trong hợp đồng mua xe tăng T-90S dường như cũng sẽ là giá CIF (tức là giá thành sản phẩm + phí bảo hiểm + phí vận chuyển) và như thế chỉ đến khi những chiếc xe T-90S và T-90SK (phiên bản chỉ huy) cuối cùng yên vị tại khu tập kết trên cảng Việt Nam thì phía Nga mới tạm hết trách nhiệm.
Tất nhiên, sau đó còn công tác huấn luyện, cung cấp dịch vụ bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa,... theo điều kiện của hợp đồng, nhưng trước hết kết thúc bàn giao xe tăng T-90S an toàn, đầy đủ và đúng hạn cho nước chủ nhà tại cảng (chẳng hạn như cảng Hải Phòng) thì coi như hai phía đã hoàn tất những giai đoạn quan trọng nhất của hợp đồng.
Vậy câu hỏi đặt ra là những chiếc xe tăng T-90S (và T-90SK phiên bản chỉ hủy) sắp tới sau khi được Nga bàn giao cho Việt Nam ở cảng sẽ hành quân về đơn vị bằng phương tiện gì?
Chiếc xe tăng T-90 là phần thưởng của đội Armenia sau khi chiến thắng ở cuộc thi Tank Biathlon do Nga tổ chức được bàn giao cho nước chủ nhà.
Xe tăng T-90S tự chạy từ cảng về đơn vị?
Như thông số kỹ thuật đã được Nhà máy chế tạo (Nga) công bố, các phiên bản xe tăng T-90 đều có khả năng tải hết quãng đường cỡ 550km bằng lượng nhiên liệu mang bên trong mà không cần các thùng dầu phụ lắp phía sau.
Như vậy, từ khi xuống tàu, nếu được nạp đầy dầu, những chiếc xe tăng T-90S cho dù xuất phát từ bất cứ điạ điểm nào (Bắc, Trung, Nam) hoàn toàn có thể tự cơ động về vị trí đóng quân mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào của các phương tiện vận tải hạng nặng chuyên dụng.
Tuy nhiên, có lẽ là quá mạo hiểm nếu để các kíp lái xe tăng T-90S Việt Nam mới được huấn luyện gần đây, vốn có giờ thực hành tích lũy chưa nhiều điều khiển những chiếc xe nặng cả gần 50 tấn hành quân trên những cung đường dài hàng trăm km. Chưa kể, bánh xích của những chiếc T-90S mới nhập này có thể gây ra những hư hại đối với mặt đường nhựa.
Và, trên hết, nếu T-90S tự hành quân sẽ ngốn một lượng lớn số giờ máy, số giờ vận hành dự trữ của xe theo thiết kế. Đây là "của để dành" hết sức quý giá đối với những chiếc xe tăng, nếu không phải trường hợp bất đắc dĩ, chắc chắn sẽ không có bất cứ vị chỉ huy nào "dũng cảm" áp dụng.
Xe tăng T-90A của Lục quân Nga hành quân bằng đường sắt.
Đi bằng đường sắt?
Đây là một trong những phương thức hành quân tới vị trí tập kết trước khi tham gia diễn tập hoặc chiến đấu rất phổ biến đối với các phương tiên chiến đấu hạng nặng như xe tăng, xe thiết giáp, các tổ hợp tên lửa,... được không chỉ quân đội Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia khác sử dụng.
Với tuyến đường sắt trải dài từ bắc chí nam, việc đưa những chiếc xe tăng T-90S mới nhận ở cảng về đơn vị mà chúng được biên chế sẽ không quá khó khăn. Các phương tiện chuyển tiếp chỉ việc chờ ở ga đến, đón hàng, chạy về đơn vị trong thời gian dăm ba tiếng là xong.
Nhưng, hiện nay đường sắt của nước ta chỉ là tuyến đường độc đạo, không phải là đường đôi (2 chiều) do vậy, với mật độ chạy tàu dày đặc và lại còn ưu tiên các chuyến tàu khách nhiều hơn sẽ khiến những chuyến tàu "đặc biệt" chở xe tăng T-90S sẽ phải dừng nghỉ và nhường đường khá nhiều.
Tất nhiên, không phải đơn vị nào cũng nằm sát tuyến đường sắt Bắc - Nam để có thể xuống hàng và di chuyển về điểm tập kết chỉ trong vòng ít giờ. Do vậy tốc độ hành quân sẽ mất khá nhiều thời gian.
Xe đầu kéo KZKT-7428 Rusich chở xe tăng T-80 (trên) và T-90 (dưới).
Sử dụng xe đầu kéo
Như đã nói ở trên, những chiếc xe tăng T-90S mà Việt Nam mới nhận đều có thể tự hành quân hay đi bằng đường sắt từ cảng về vị trí tập kết. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu. Còn một phương thức khác hợp lý hơn, đó là sử dụng những chiếc xe đầu kéo tăng chuyên dụng.
Mà trên thực tế, những phương tiện chở xe tăng chuyên dụng như vậy Việt Nam không thiếu, thậm chí có những loại "đặc chủng" được coi như là "cặp đôi hoàn hảo" của xe tăng T-90 là đầu kéo KZKT-7428 Rusich mà Việt Nam đã đặt mua từ Nga trước khi xe tăng thế hệ mới về nước.
Các xe đầu kéo KZKT-7428 Rusich hay Maz-537 cũ hơn đều có thể "cõng" dễ dàng những chiếc xe tăng nặng xấp xỉ 50 tấn về đơn vị một cách dễ dàng. Sử dụng xe đầu kéo có mấy lợi thế:
Thứ nhất, các phương tiện vận tải đặc chủng này có thể vào tận vị trí tập kết tại cảng để đón những chiếc xe tăng mới nhận. Hơn nữa, quá trình đưa xe tăng lên rơ-móc kéo cũng dễ dàng hơn nhiều so với lên toa xe đường sắt.
Thứ hai, là phương tiện bánh hơi, các xe đầu kéo chuyên dụng tham gia vận hành chung cùng các phương tiện công cộng trên mọi cung đường, từ cao tốc cho tới các đường miền núi nhỏ hẹp mà không có ảnh hưởng quá lớn tới các phương tiện lưu thông cùng chiều hay ngược chiều và có thể vươn tới bất cứ địa điểm nào được chỉ định.
Do là bánh hơi, phân bổ đều áp lực lên toàn bộ mặt đường nên mặc dù là loại phương tiện siêu trường, siêu trọng nhưng chúng sẽ không gây tác động xấu tới kết cấu mặt đường, nhất là hạn chế hoàn toàn bánh xích ma sát lên mặt đường.
Xe đầu kéo chở tăng KZKT-7428 Rusich Việt Nam nhập từ Nga. Ảnh: QĐND.
Thứ ba, chạy liên tục bất kể ngày đêm. Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam tương đối hoàn thiện, cho phép các đoàn xe có thể hoạt động trong bất cứ thời gian nào, bất kể ngày hay đêm, giúp cho những chiếc xe tăng T-90S thế hệ mới có thể nhanh chóng hành quân về đơn vị được biên chế, sẵn sàng cho công tác huấn luyện để sớm đưa vào trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Hy vọng, sau khi các xe tăng T-90S của Việt Nam về đến cảng chúng xe nhanh chóng được vận chuyển về đơn vị được biên chế một cách an toàn, hiệu quả.
Xe đầu kéo chở tăng KZKT-7428 trình diễn tính năng.
Bình Nguyên