ĐNND năm 2018: Mục tiêu căn bản vẫn là tình cảm nền tảng từ nhân dân các nước
Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký VUFO Đôn Tuấn Phong
- Thưa ông, năm 2017 công tác ĐNND đã để lại những ấn tượng gì lớn nhất?
Hoạt động đối ngoại nhân dân (ĐNND) quan trọng nhất trong năm 2017 theo tôi là quan hệ hợp tác với các nước láng giềng. Năm 2017 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Chúng ta đã tiến hành kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào; 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia. Rất nhiều các hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được tổ chức nhân dịp này như: Về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, thăm nơi bộ đội, chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia. Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào và Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã tổ chức liên tiếp các hoạt động trong đó có: Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Lào lần thứ IV tại Lào; Liên hoan hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Campuchia lần thứ IV tại Việt Nam; phát hành các ấn phẩm, chuyên san về quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào; Việt Nam – Campuchia…
Với Trung Quốc, chúng ta đã tổ chức rất nhiều hoạt động ngay từ đầu năm 2017 đến khi kết thúc năm. Về song phương, chúng ta đã triển khai các hoạt động với các đối tác của VUFO và của Hội Hữu nghị Việt – Trung. Đồng thời, chúng ta cũng tích cực tham gia các diễn đàn có tính đa phương như giữa Trung Quốc và ASEAN. Đặc biệt, VUFO và đối tác là Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2017 – 2022, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động ĐNND. Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị truyền thống đó đã được phát huy như thế nào trong những năm vừa qua cũng như biện pháp để tăng cường trong thời gian tới. Hai bên cũng tổ chức thành công Diễn đàn nhân dân Việt – Trung lần thứ 9 tại Hà Nội.
Sự kiện quan trọng và nổi bật nhất năm 2017 trong quan hệ Việt - Trung của VUFO là tổ chức thành công Lễ Khánh thành và nhận bàn giao Cung Hữu nghị Việt-Trung với sự tham dự Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng các đồng chí Lãnh đạo cấp cao 2 nước và đông đảo các nhân sỹ, trí thức, cán bộ, học sinh, sinh viên hai nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức trao chìa khóa tượng trưng Cung Hữu nghị Việt -Trung
- Theo ông, những thành quả trên có ý nghĩa như thế nào về vai trò của ĐNND trong đối ngoại chung của cả nước?
Quan hệ với các nước láng giềng là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Vì thế, đây là ưu tiên trong hoạt động của VUFO. Những hoạt động trên đã được triển khai trong năm 2017 đã đặt nền móng vững chắc cho hợp tác trong những năm tiếp theo. Sự hiểu biết, quan hệ hữu nghị và sự chia sẻ giữa chúng ta với các đối tác thuộc các nước láng giềng đã được tăng cường một cách đáng kể trong năm 2017. Có thể nói sự ủng hộ, quan tâm của lãnh đạo cấp cao 2 nước đối với công tác ĐNND cũng tạo điều kiện cho quan hệ ĐNND của Liên hiệp các tổ chức thành viên với các đối tác ở các nước láng giềng, không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà còn cho tương lai.
- Những thành quả mà ĐNND đã đạt được trong năm 2017 đã rút ra bài học gì cho lĩnh vực này trong thời gian tới, thưa ông?
Thực tế, chúng ta đã triển khai công tác ĐNND trên đường lối, phương châm của Đảng và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh rất nhiều. Bài học rút ra chính là bài học về việc tranh thủ tình đoàn kết quốc tế cho cách mạng VN, thêm bạn bớt thù, lấy giá trị của dân tộc ta là hòa hiếu, yêu hòa bình để cảm hoá, thuyết phục bạn bè quốc tế; bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Về mặt kinh nghiệm:
Thứ nhất: Trong công tác thông tin đối ngoại, chúng ta đã tận dụng công nghệ mới cập nhật tới bạn bè về tình hình đất nước, sự phát triển mọi mặt, những thác thức mà chúng ta đang phải vượt qua, đặc biệt là yêu cầu mới trong bảo vệ xây dựng tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ hai, có thể thấy rằng, trước đây chúng ta đã có những bạn bè truyền thống. Hiện nay, họ đều là những người cao tuổi nên công tác ĐNND trong thời gian tới phải tạo môi trường hoạt động thu hút đa dạng người tham gia, quan trọng nhất là lớp trẻ để tạo đội ngũ kế cận.
Tiếp theo, chúng ta cần đa dạng hóa quan hệ đối tác. Ngoài đối tác truyền thống, những doanh nghiệp vào Việt Nam, người du lịch, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, những ai quan tâm tới Việt Nam… đều được hết sức quan tâm, tạo điều kiện để họ hiểu, có thiện cảm về Việt Nam.
Tôi cho rằng, công tác đối ngoại nhân dân hôm nay vừa phải học theo bài học kinh nghiệm quý báu trước đây là quan hệ giữa con người với con người những lại phải rất hiện đại với phong cách làm việc mới. Cốt lõi của dân tộc chúng ta trong ứng xử với bạn bè trên thế giới đó là sự chân thành, thủy chung, khoan dung và hướng thiện. Tôi nghĩ tất cả những ai có cơ hội sang Việt Nam hiểu Việt Nam thì sẽ yêu quý Việt Nam hơn. Có lẽ, do vị thế địa chính trị của Việt Nam nên đất nước chúng ta luôn phải chống lại những kẻ thù lớn hơn mình gấp bội. Do đó, chúng ta cần tình đoàn kết của bạn bè quốc tế. Sự nhất quán, thủy chung… sẽ giữ vững tình đoàn kết này, tạo sự thuyết phục. Các kĩ năng về đối ngoại, ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn thì càng ngày càng phải được nâng cao hơn nữa.
- Xin ông chia sẻ về mục tiêu lớn nhất của công tác ĐNND 2018?
Năm 2018, VUFO sẽ tổng kết 10 năm Chỉ thị 28/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác ĐNND nói chung và Liên hiệp nói riêng. Chỉ thị 28 là Chỉ thị đề ra những chủ trương, đường lối, phương châm hoạt động của VUFO. Vì vậy, tổng kết 10 năm thì cần xem xét những mặt được và chưa được trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới với những yêu cầu mới. Đồng thời, tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2023 của Liên hiệp. Đây không chỉ là những công việc, sự kiện thuần tuý mà thực chất là sẽ xác định nội dung, định hướng có tính chiến lược trong hoạt động của VUFO và các tổ chức thành viên trong những năm tiếp theo và đặc biệt trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Có thể nói, đây là ưu tiên cao nhất trong năm 2018 mà VUFO cùng các tổ chức thành viên phải thực hiện tốt.
Về mặt đối ngoại, trong cả 2 bình diện là quan hệ song phương và đa phương, có nhiều mục tiêu, nội dung khác nhau. Chúng ta khó có thể nói cái gì là ưu tiên cao nhất nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động ĐNND với sự quan tâm nhiều hơn với các nước láng giềng, các nước thuộc khu vực ASEAN, các nước đối tác chiến lược. Đặc biệt năm 2018 chúng ta sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước thì đây là dịp để ĐNND phát huy vai trò của mình.
- Ông kỳ vọng như thế nào vào những mục tiêu VUFO đề ra trong năm 2018?
Tôi cho rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực của những người làm công tác ĐNND và đặc biệt là sự cố gắng của toàn thể cán bộ VUFO, những mục tiêu công tác trong năm 2018 sẽ khả thi. Nếu như thực hiện được các mục tiêu cơ bản đó thì nền tảng triển khai các hoạt động ĐNND của VUFO cho hoạt động chung của VUFO trong những năm tới sẽ cơ bản được xác định và khá vững chắc.
Mục tiêu căn bản của ĐNND vẫn không thay đổi, chính là nền tảng nhân dân các nước. Không phải chỉ các nước ủng hộ ta mà kể cả ở các nước trước đây từng là kẻ thù, như các nước đế quốc, tư bản. Nền tảng nhân dân quốc tế càng vững chãi, càng rộng bao nhiều thì cơ hội cho chúng ta xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Quan tâm xây dựng cơ chế kết nối với Kiều bào Nhiệm vụ của VUFO đối với người Việt Nam (VN) ở nước ngoài đã được nêu trong Chỉ thị số 04-CT/TW và Chỉ thị 28/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Với người VN ở nước ngoài, năm 2018, VUFO sẽ quan tâm xây dựng cơ chế kết nối với Kiều bào và hỗ trợ các tổ chức người Việt ở nước ngoài, trong đó có các tổ chức nhân dân, các hội đoàn, các TCPCP và các doanh nghiệp của người VN ở nước ngoài, hội đồng hương, các hội người VN ở nước ngoài theo nước và theo khu vực. VUFO lựa chọn cách tiếp cận về mặt thông tin sẽ là tiên phong để có thể kết nối được với người VN ở nước ngoài, kết hợp với cách tiếp cận về mặt văn hoá. Dự kiến, chúng ta sẽ tuyên truyền văn hoá truyền thống của VN làm điểm nhấn trong việc kết nối với người VN ở nước ngoài. Trong các phương tiện thông tin của VUFO sẽ có các chuyên mục, chuyên trang dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Người VN ở nước ngoài có hoàn cảnh khác nhau vì vậy, VUFO sẽ lựa chọn các cách tiếp cận khác nhau với từng địa bàn, từng khu vực, từng nhóm để đảm bảo tiếp cận được nhiều nhất. |
Thành công trong mở rộng mạng lưới địa phương Năm 2017, có 4 tỉnh thành lập Liên hiệp địa phương gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Hòa Bình và Sơn La. Đây cũng là năm thành lập nhiều Liên hiệp địa phương nhất từ trước đến nay. Như vậy, tính đến hết năm 2017, VUFO đã 65 tổ chức thành viên ở Trung ương (gồm 58 Hội hữu nghị song phương, 02 tổ chức hữu nghị và hợp tác khu vực, 04 tổ chức đa phương) và 52/63 tổ chức thành viên ở địa phương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổng số tổ chức thành viên của Liên hiệp hiện nay là 117 (tăng 20 tổ chức thành viên so với trước khi có Chỉ thị 04-CT/TW) với hàng nghìn đối tác ở các châu lục. Mặc dù có những khó khăn, nhất là về cơ chế chính sách, nhưng đa số các Liên hiệp địa phương và các tổ chức thành viên đã thực hiện được phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân tại địa phương. Ở rất nhiều địa phương, Liên hiệp hữu nghị không chỉ thực hiện nhiệm vụ về chính trị đối ngoại, duy trì quan hệ với bạn bè quốc tế mà còn tích cực tham gia vào công tác phi chính phủ nước ngoài, góp phần đáng kể trong việc vận động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Một số địa phương tiếp tục duy trì quan hệ tốt với các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán và các đối tác quốc tế. Đặc biệt, có một số Liên hiệp địa phương đã tích cực kết nối các doanh nghiệp nước ngoài hoạt đông trên địa bàn; không chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ mà tạo diễn đàn, sân chơi, kênh thông tin cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp. Một số Liên hiệp địa phương, nhất là ở các tỉnh biên giới, có đóng góp tích cực trong việc xây dựng, duy trì đường biên giới hoà bình thông qua việc phát huy các mối quan hệ đối ngoại nhân dân qua biên giới ở cấp địa phương; hỗ trợ cho khu vực ven biên giới; đặc biệt giải quyết một số nhu cầu bức xúc về kinh tế - xã hội. Ví dụ như hỗ trợ trong y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo… thông qua các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng nhà cho người nghèo dọc biên giới… |
Phạm Hưng – Thùy Linh