Điều chỉnh sau 5 phiên tăng liên tiếp, thanh khoản HOSE đạt hơn 1 tỷ USD
Định vị thị trường
Trường chứng khoán Việt Nam và một số chỉ số châu Á đều cần những động thái hạ nhiệt tâm lý. Chứng khoán Nhật Bản sau khi tiệm cận thành tích tăng 25% từ đầu năm, phiên hôm nay đã co xuống còn 21,26%.
KOSPI và TWSE cũng điều chỉnh nhẹ trong đó TWSE giảm 1,12%. Thành tích điểm số của KOSPI và TWSE đang lần lượt là 16,74% và 18,36%.
Với VN-Index, cho đến trước phiên hôm nay, chỉ số đã tăng 5 phiên liên tiếp và cũng đã đạt thành tích hơn 10%. Một bước lùi nếu xuất hiện vào lúc này sẽ giúp thị trường trở nên nhẹ nhàng hơn và đón nhận thêm lượng tiền từ nhà đầu tư đang đứng ngoài.
Chất xúc tác
Theo thống kê, HOSE đã bị bán ròng lũy kế hơn 810 tỷ đồng sau phiên hôm nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 310 tỷ đồng trên sàn tập trung vào các mã VNM (-211,21 tỷ đồng), GEX (-70,23 tỷ đồng), HCM (-48,44 tỷ đồng), LPB (-40,81 tỷ đồng).
Dòng tiền nội như thói quen giao dịch vẫn đang nắm thế chủ động trên sàn. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý tới đặc tính ưa thích lướt sóng của dòng tiền trong nước. Các diễn biến biến điều chỉnh vẫn luôn xuất hiện kể cả trong những cơn sóng lớn của thị trường.
Vận động nhóm ngành
Nhóm Ngân hàng là nhân tố đã hỗ trợ đắc lực cho thị trường trong 2 tuần tăng điểm. Nếu không có Ngân hàng, chỉ số có lẽ sẽ vẫn tiếp tục chuỗi những vận động đi ngang đầy khó chịu.
Tuy nhiên, Ngân hàng cũng đang bộc lộ những hạn chế, đó là nhịp tăng giá thường khá ngắn và khó sự lan tỏa đồng đều cả nhóm ngành. Một loạt mã như VIB (-3,2%), EIB (-3%), TCB (-2,6%), STB (-2,6%), TPB (-2,5%), MSB (-2,3%), VPB (-2%) đã đồng loạt khuất phục trước áp lực chốt lời cuối phiên chiều. Biên độ của các cổ phiếu này đều rộng hơn so với các phiên giao dịch trước.
Một mình VCB lại phải làm nhiệm vụ cân đối áp lực của Ngân hàng lẫn thị trường. Tuy nhiên, cần phải lưu ý tới hoạt động mua ròng của khối ngoại tại VCB. Phiên hôm nay là phiên mua ròng thứ 4 trong 5 phiên giao dịch trở lại đây và cả 4 phiên được mua ròng VCB đều liên tục phá đỉnh.
Về mặt điểm số, VN-Index giảm 8,22 điểm xuống 1.101,32 điểm (-0,74%). Đây không phải là mức giảm quá lớn nhưng là kết quả đã được điều tiết từ VCB.
Biên độ giảm có lẽ sẽ lớn hơn nhiều bởi thị trường có tới 60% mã giảm giá. Một loạt nhóm ngành như Chứng khoán, Bất động sản, Đầu tư công bị chốt lời dẫn đến nhiều mã giảm vượt biên độ 3%.
Cụ thể, tại nhóm Chứng khoán đó là các trường hợp VND (-5,97%), SSI (-3,19%), VCI (-3,55%) trong đó VND đạt quy mô trên 1.200 tỷ đồng. Với nhóm Bất động sản là GEX (-5,79%), DXG (-4,61%) còn nhóm Đầu tư công là LCG (-4,36%), VCG (-4,23%)…
Nhìn chung, biên độ các cổ phiếu và độ rộng thị trường mới thực sự phản ánh đúng các diễn biến điều chỉnh của VN-Index thay vì điểm số. Dù vậy, với quy mô giao dịch vượt hơn 1 tỷ USD, đạt 23.689 tỷ đồng, nhịp điều chỉnh vẫn đang được kỳ vọng sẽ diễn ra một cách lành mạnh.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 1,54% và 0,64%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.600 tỷ đồng.