Điểm danh những “chủ nợ” của đại gia địa ốc Novaland
Năm 2007, Tập đoàn Novaland chính thức được tách ra, thành lập từ chương trình tái cấu trúc của Tập đoàn, hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 95.325.000.000 đồng. Sau chặng đường hơn 10 năm phát triển, đến nay, Novaland đã trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam với tổng vốn điều lệ lên tới gần 6.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tập đoàn đang sở hữu danh mục đầu tư tới trên 40 dự án lớn nhỏ khắp cả nước, với đa dạng loại hình sản phẩm từ căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại đến Office-tel.
Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt nhiều dự án BĐS lớn khiến Novaland phải đa dạng hóa nguồn vốn bằng cách vay vốn ở nhiều tổ chức tín dụng lớn trong nược cũng như quốc tế.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của NVL đạt 5.813 tỷ đồng, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, LNTT đạt 1.575 tỷ đồng và LNST đạt 1.343 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,2% và 13,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, nợ phải trả của NVL đã tăng tăng 33,7% so với đầu năm, lên mức 35.416 tỷ đồng, bao gồm 19.981 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 15.434 tỷ đồng nợ dài hạn.
Đáng chú ý, khoản nợ vay và thuê tài chính của NVL cũng tăng đột biến từ 13.503 tỷ đồng lên 16.908 tỷ đồng. Các khoản nợ này đều chịu lãi suất từ 6,5% đến 10%/năm.
Khoản vay của Novaland tại các Ngân hàng trong nước.
Theo đại diện Novaland, phần lớn khoản nợ này được huy động là để tài trợ cho các dự án, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm tốt. Đơn cử như khoản vay 500 tỷ từ Sacombank để hợp tác đầu tư dự án Botanica Premier (đã bán 70% sản phẩm), 400 tỷ vay từ Tiên Phong Bank để hợp tác đầu tư vào dự án Orchard Parkview (đã bán trên 70% sản phẩm), hay khoản vay với Ngân hàng Vietinbank với hạn mức tín dụng lên tới 3.400 tỷ đồng và dư nợ hiện tại 1.206 tỷ đồng nhằm tài trợ cho một dự án lớn tại quận 2, TP.HCM sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Novaland có hai khoản vay trị giá 150 triệu USD, bao gồm 100 triệu USD từ Credit Suisse AG (chi nhánh Singapore) và 50 triệu USD từ GW Supernova PTE Ltd, trong đó, riêng khoản văn từ Suisse AG đã giải ngân được 40 triệu USD. Đây là khoản vay có quyền chuyển đổi toàn phần hoặc một phần nên cuối năm 2016, Novaland đã tiến hành thủ tục chuyển đổi toàn bộ khoản vay của Credit Suisse trị giá 60 triệu USD thành hơn 33,45 triệu cổ phần. Đồng thời, Novaland còn khoản vay từ bên thứ 3 là CTCP kinh doanh Nova và các công ty khác lên đến 3.000 tỷ đồng.
Ngoài những khoản vay trực tiếp thì Novalad cũng huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu có giá trị lên tới 7.441 tỷ đồng. Những khoản nợ trái phiếu của tập đoàn này cũng được sử dụng để tăng quy mô hoạt động hoặc góp vốn đầu tư vào các dự án.
Chẳng hạn khoản trái phiếu 2.000 tỷ phát hành cho Vietinbank là để tài trợ dự án Lakeview City, Novaland cho biết đã trả hết toàn bộ, khoản thanh toán trước hạn hồi tháng 1/2017 bằng chính nguồn tiền bán hàng từ dự án; Hoặc 300 tỷ phát hành cho Ngân hàng Bảo Việt cũng dùng đầu tư vào một loạt dự án phía Tây như Orchard Garden, Garden Gate, The Botanica và Orchard Parkview.
Việc các khoản nợ vay ngày càng tăng nhanh trong bối cảnh kinh doanh lao dốc và hàng tồn kho chưa được xử lý là bài toàn khó mà Novaland đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết.
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại