Dịch Covid-19: 4 nguồn lây nhiễm lớn tại Hà Nội
Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm Covid-19 với 5.000 người |
TP.HCM: Đi ăn quán phải ngồi cách nhau 1,5m, một bàn không quá 10 người |
Chiều 25/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, Hà Nội đang có 4 nguồn lây nhiễm lớn trên địa bàn: một là lây nhiễm chéo, xuất phát ổ dịch bệnh từ Bệnh viện Bạch Mai; hai là lây nhiễm từ nguồn khách du lịch và người Việt Nam trở về Hà Nội trước 0h các ngày 14,18 và 21/3; ba là các trường hợp đi trong nước như bệnh nhân 86; thứ 4 là nguồn y tá bác sỹ tham gia quy trình khám chữa, tổ chức cách ly, như bác sỹ - bệnh nhân 116.
Đánh giá về tình hình trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Diễn biến đến thời điểm này TP đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ngày càng lớn và cửa an toàn ngày càng hẹp ”; Nguy cơ những ổ dịch trên địa bàn TP mang tính rất phức tạp tiềm tàng bắt đầu phát triển; Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng do không thực hiện nghiêm túc đeo khẩu trang của người dân, tụ tập đông người, cúng lễ, quán cà phê, nhà hàng, quán bar… hình thành các đường lây nhiễm lớn trong cộng đồng; Lây nhiễm từ bệnh viện...
“Tại Thành phố chúng ta có đủ các yếu tố lây lan này”- ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đồng thời cho biết, việc lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai có cả 2 yếu tố: như trường hợp bệnh nhân số 86 là điều dưỡng viên của Trung tâm Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai lây nhiễm chéo cho BN 87 và con gái.
Bên cạnh đó, phát hiện bệnh nhân số 113 ở Lai Châu chưa biết nguồn lây từ đâu nhưng đã dương tính vào điều trị tại Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai sau khi về Lai Châu được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính.
Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã đồng loạt lấy mẫu của các bệnh nhân khoa Thần Kinh, khoa Tim Mạch và Trung tâm Nhiệt đới. Bạch Mai có 150 y tá, điều dưỡng cách ly lấy mẫu xét nghiệm, bước 1 âm tính. Tuy nhiên, tại khoa Thần Kinh phát hiện thêm 1 bệnh nhân 88 tuổi nằm cùng bệnh nhân 113 (ở Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và con dâu 63 tuổi ở Thượng Thanh, Long Biên đến thăm cũng dương tính và hiện còn chờ các kết quả đêm nay.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội đang có 4 nguồn lây nhiễm lớn trên địa bàn. (Ảnh: Độc Lập) |
Tại bệnh viện này có đầy đủ yếu tố bệnh nhân già, đông người qua lại trong 15 ngày vừa qua. Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tại bệnh viện này nếu như những ngày bình thường có khoảng 6.000-8.000 người qua lại, những ngày qua giảm 50%.
Ngoài ra, trong một hai ngày gần đây, TP cũng phát hiện trường hợp 2 công dân người Đan Mạch đến Hà Nội ngày 8/3, sau đó đi Huế, Đà Nẵng, quay lại Hà Nội ngày 22/3 ở tại quận Hoàn Kiếm và đi một số nơi đến chiều 24/3, tự vào Viện Nhi Trung ương lấy mẫu xét nghiệm dương tính.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã tổ chức tốt công tác phòng ngừa tập trung; rà soát toàn bộ công dân Việt Nam và người nước ngoài đến Hà Nội trước ngày 10/3 cho đến trưa ngày 25/3. Sơ bộ xác định được có 3.400 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài về Hà Nội, lấy mẫu xét nghiệm 2.128 trường hợp, có kết quả 993 trường hợp và phát hiện có 4 trường hợp nhiễm Sars-Cov-2. Theo tỷ lệ này thì ít nhất có từ 8-12 trường hợp mắc chưa kịp phát hiện đang chờ kết quả. Nếu theo tỷ lệ trung bình trên thế giới 1 người lây nhiễm ra 2,4 người thì trên địa bàn Thành phố, riêng số này đã có khoảng 20 người dương tính đang “lang thang” trên địa bàn Thành phố.
TP đã họp và quyết định chuyển 312 trường hợp F1 đưa lên Hòa Lạc để cách ly phòng ngừa. Các bệnh viện của TP chuẩn bị tinh thần tiếp nhận các bệnh nhân dương tính khi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận đủ số bệnh nhân. Chuẩn bị cơ sở vật chất, bác sỹ, y tá sẵn sàng vào bệnh viện công tác, chỉ rời khỏi bệnh viện khi bệnh nhân cuối cùng âm tính và cộng thêm cách ly 14 ngày, phấn đấu, không để người tử vong. Trung tâm CDC của Hà Nội hiện nay xét nghiệm được 2.500 – 3.000 mẫu, thời gian tới nâng lên 5.000 mẫu.
Tỷ lệ đeo khẩu trang của người dân ở Việt Nam cao hơn các nước nhưng vẫn đi lại, tụ tập nhiều hơn, không loại trừ sắp tới sẽ có thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Dù cánh cửa an toàn còn hẹp nhưng chúng ta vẫn trong thời gian vàng và còn cơ hội, nếu người dân đồng lòng, ở nhà vì chính mình, gia đình và xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nếu vẫn cứ tụ tập đông người, vẫn không đeo khẩu trang dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong thời gian ngắn”.
“Chỉ có sự tham gia của tất cả người dân với tinh thần trách nhiệm bảo vệ bản thân mình, gia đình, người thân và trách nhiệm với cộng đồng, thành phố, đất nước mới ngăn chặn được dịch. Nếu mọi người ra đường không đeo khẩu trang, tụ tập, uống cà phê, lúc đó, tỷ lệ lây lan sẽ rất nhanh”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ chỉ để 20% xe buýt hoạt động, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong lúc này. Ở nhà, không ra ngoài, trừ khi phải mua lương thực thực phẩm. Trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa đến ngày 5/4. Mọi người khi ra ngoài đi làm đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn từ 2-3m.
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch Thành phố nêu các nước trên thế giới đang thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp thiết quân luật và cách ly “đóng băng” toàn bộ các hoạt động xã hội nhằm ngăn chặn lây nhiễm đang là biện pháp có hiệu quả nhất được các nước áp dụng triệt để.
Tin tức trong ngày 25/3 mới nhất: Hà Nội hoàn thành bệnh viện dã chiến trong 7 ngày Tin tức trong ngày 25/3 mới nhất có những tin đáng chú ý như sau: Hà Nội hoàn thành bệnh viện dã chiến trong 7 ngày, ... |
Bộ Y tế: 117 người đang điều trị COVID-19, 33 ca đã xét nghiệm âm tính Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, cả nước có 117 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có 33 trường ... |
Việt Nam đã hoàn thiện phác đồ điều trị Covid-19 Bộ Y tế cho biết đã hoàn thiện phác đồ điều trị đối với bệnh nhân mắc Covid-19 và dự kiến sẽ ban hành trong ... |