Địa phương nói "không" với chi phí không chính thức để thu hút nhà đầu tư ngoại
Tọa đàm “Xúc tiến đầu tư và quảng bá địa phương Việt Nam” (Ảnh: kontum.gov.vn). |
Theo bà Lê Thị Ái Nam: Bạc Liêu đang mời gọi đầu tư tập trung vào các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.
Đại diện lãnh đạo nhiều địa phương của Việt Nam cũng thông tin nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin địa phương này đang tập trung công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng. Thừa Thiên Huế cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số mạnh mẽ... nhằm thu hút các dự án đầu tư từ Nhật Bản.
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh này đang huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống giao thông; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực thu hút đầu tư... Kom Tum mong muốn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, du lịch sinh thái và cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ: Trung tâm liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đặt tại thành phố Cần Thơ. Doanh nghiệp đầu tư vào Trung tâm này sẽ được hưởng chính sách ưu tiên về thủ tục hải quan, thủ tục hành chính, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế quan, thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian dài.
Tại tọa đàm, ông Tsukada Manabu - Giám đốc cấp cao về Chiến lược toàn cầu (khu vực Đông Nam Á), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: Việt Nam ngày càng đóng vai trò nổi bật trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát do JETRO thực hiện gần đây cho thấy có tới 60% số doanh nghiệp trả lời sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong khi chỉ có 47% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại khu vực Đông Nam Á nói chung. Điều này cho thấy, Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao hơn khu vực ASEAN nói chung về tiềm năng hợp tác và sức bật của thị trường.