Đi tìm lý do 35 địa phương “ngâm” quyết toán GPMB dự án giao thông
Thông tin từ Bộ GTVT được phát ra, Bộ này vừa có văn bản lần ba đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt quyết toán tiểu dự án GPMB các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức BOT và các dự án TPCP thuộc đề án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Nguyên nhân 35 địa phương này “ngâm” quyết toán? Trong khi, rất nhiều dự án gửi hồ sơ, mong được quyết toán để có kinh phí chi trả các khoản khi thực hiện dự án.
Dự án giao thông ở Bình Định.
35 địa phương chậm, “ngâm”, nợ và chây ỳ quyết toán GPMB các dự án giao thông gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh. Thông tin này được Vụ Tài chính, Bộ GTVT phát ra.
Cũng theo Vụ này, tính đến ngày 31/3/2018, 35 tỉnh trên chưa duyệt xong quyết toán tiểu dự án GPMB của các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT và các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) thuộc đề án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, chậm thời hạn so với quy định tại Thông tư 09/2016 và Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính.
Tiểu dự án GPMB nút giao cầu vượt đường sắt Bắc - Nam với QL1, tỉnh Nghệ An chưa duyệt xong quyết toán. Ảnh K.Linh.
Trong đó, 26 địa phương chưa duyệt xong quyết toán tiểu dự án GPMB của các dự án BOT và 9 địa phương chưa duyệt xong quyết toán tiểu dự án GPMB của các dự án vốn TPCP thuộc đề án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Điển hình Nghệ An là địa phương có số lượng tiểu dự án GPMB chưa duyệt nhiều nhất với 6 tiểu dự án gồm: 5 tiểu dự án GPMB các dự án TPCP (Dự án nút giao cầu vượt đường sắt Bắc - Nam với QL1, tỉnh Nghệ An; Dự án cải tạo, mở rộng QL1 đoạn qua thị trấn Hoàng Mai và thị trấn Cầu Giát; Dự án QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu; Dự án mở rộng QL1 đoạn Diễn Châu - Quán Hàu; Dự án mở rộng QL1 đoạn Quán Hành - Quán Bánh) và một tiểu dự án GPMB thuộc dự án BOT mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tránh TP. Hà Tĩnh.
Tỉnh Bình Định cũng có tới 3 tiểu dự án GPMB chưa được phê duyệt quyết toán (2 dự án BOT: QL1 đoạn Km1125 - Km1153 và QL1 đoạn Km1212 + 400 - Km1265; một dự án TPCP: Mở rộng QL1 đoạn Km1153 - Km1488).
Các địa phương chưa duyệt quyết toán 2 tiểu dự án GPMB như: Khánh Hòa, Phú Yên, Tiền Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế,…
Ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT khẳng định trên Báo Giao thông: “Việc quyết toán các tiểu dự án GPMB rất quan trọng, là cơ sở để tổng hợp quyết toán toàn bộ dự án. Đặc biệt là các dự án BOT, khi hoàn thành quyết toán toàn bộ dự án mới xác định được tổng vốn đầu tư thực tế của công trình, từ đó làm căn cứ xác định thời gian hoàn vốn cho các dự án”.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Thống kê của Vụ Tài chính thể hiện, đến ngày 31/3/2018, các địa phương mới duyệt xong quyết toán toàn bộ chi phí GPMB của 36/62 dự án, còn lại 12 dự án duyệt được một phần và 14 dự án chưa được phê duyệt thuộc thẩm quyền của 26 địa phương.
Tương tự, đối với các dự án nguồn vốn TPCP thuộc đề án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các địa phương mới duyệt xong quyết toán toàn bộ chi phí GPMB của 12/27 dự án, 9 dự án duyệt quyết toán một phần, còn lại 6 dự án các địa phương chưa duyệt thuộc thẩm quyền của 9 tỉnh, thành.
Trước đó, ngày 12/3/2018, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quyết toán chi phí GPMB các dự án đường bộ của các địa phương.
Đến ngày 27/3/2018, Văn phòng Chính phủ phát đi Văn bản 2764 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có liên quan khẩn trương phê duyệt quyết toán tiểu dự án GPMB như kiến nghị của Bộ GTVT theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ quyết toán toàn bộ các dự án.
Vấn đề đặt ra là vì sao các địa phương lại “ngâm” dự toán như vậy? Bộ GTVT là cơ quan giúp việc của Chính phủ cần tìm ra lý do để trình Chính phủ có phương án xử lý.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề ngày trong các bài viết tiếp theo liên quan đến các địa phương.
N.Hòa