Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á – Thái Bình Dương 2018 diễn ra tại Cố đô Huế
Cố đô Huế niềm tự hào di sản văn hoá của cả nước.
Ngày 6/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) đã phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ (ICHCAP), thuộc Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) Châu Á-Thái Bình Dương 2018 với Chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững”.
Đến tham dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; ông Kwon Huh, Tổng Giám đốc ICHCAP cùng các bộ, ngành Trung ương, tỉnh thành liên quan và 16 quốc gia khác nhau về tham dự.
Được biết, đây là hội nghị lần thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại Jeonju, Hàn Quốc, vào tháng 11/2016. Và hội nghị lần này, các đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững”. Đồng thời, hội nghị sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của Các tổ chức phi chính phủ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và tìm hiểu hướng đi trong tương lai để xây dựng hệ thống bảo vệ DSVHPVT.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức họp báo để công bố những thông tin trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Theo đó, Hội nghị đã thu hút đại diện 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ DSVHPVT đến từ 16 quốc gia khác nhau tham dự và có báo cáo chuyên môn. Trong số những người tham gia có những thành viên là đại diện của Diễn đàn NGO ICH (Diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể-PV), và đây là tổ chức phi chính phủ của ICH (DSVHPVT) được UNESCO công nhận.
Qua đó, các tổ chức tham gia đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia và cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ DSVHPVT với các mục tiêu khác nhau, như phát triển cộng đồng địa phương, xóa đói giảm nghèo, phục hồi đô thị và xây dựng năng lực cộng đồng, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của họ góp phần vào việc phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á-Thái Bình Dương 2018
15 năm Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận
Tỉnh Thừa Thiên-Huế nổ lực hợp tác và phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á- Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ thuộc Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc để tổ chức Hội nghị lần này. Sự hợp tác cùng tổ chức sự kiện này thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên-Huế sẵn sàng chung tay, đồng hành với ICHCAP UNESCO và các quốc gia trong khu vực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể vì mục tiêu phát triển bền vững.
Việc lựa chọn tổ chức Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á-Thái Bình Dương 2018 tại TP.Huế nhân kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận, là điều hết sức có ý nghĩa.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phát biểu tại hội nghị
Hội nghị này sẽ giúp Cố đô Huế bằng những đánh giá chính xác, khách quan, từ đó đưa ra các chính sách và hướng phát triển bền vững cho các di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới, trong đó có Nhã nhạc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị lần này là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong khu vực hiểu biết hơn về Cố đô Huế-vùng đất với gần 400 năm tong tại (1558-1945), triều Nguyễn đã để lại cho người Việt những di sản văn hóa, lịch sử khổng lồ và hết sức đa dạng.
Huế với tư cách là kinh đô của triều đại đã được thừa hưởng rất nhiều từ các di sản vô giá. Chính vì vậy, Cố đô Huế được mệnh danh là vùng đất của bảo tàng của di sản văn hóa. Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã sở hữu 5 danh hiệu Di sản thế giới thuộc 3 loại hình khác nhau như: Quần thể di tích Cố đô Huế (di sản vật thể), Nhã nhạc-âm nhạc cung đình Việt Nam (di sản phi vật thể) và 3 di sản tư liệu thế giới là: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Đồng thời, Cố đô Huế đồng sở hữu 2 di sản thế giới khác là: Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ và nghệ thuật Bài Chòi cùng với nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị khác tại Huế và các tỉnh thành của Việt Nam.
Theo đó, Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể Châu Á-Thái Bình Dương 2018 sẽ được diễn ra từ ngày 6 đến hết ngày 8/11.
Bài và ảnh Phi Hoàng