Di sản Cố đố Huế sẽ như thế nào trước thực trạng bảo tồn và phát triển
Bảo tồn di sản văn hóa Huế
Di sản Cố đô Huế với vấn đề bảo tồn và phát triển là chủ để diễn đàn đối thoại Sử học được Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức.
Đến tham dự diễn đàn có PGS.TS.Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Phạm Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam; ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Về phía lãnh đạo tỉnh gồm có ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng các chuyên gia và nhà nghiên cứu.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau 25 năm kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Huế đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu to lớn.
Theo đó, hàng chục công trình được phục hồi, nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ, hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường, không gian hoang phế được thu hẹp, bộ mặt đô thị ngày càng được khang trang và văn minh. Với một hệ thống di sản văn hóa quý giá thì việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là một vấn đề đang được quan tâm.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phát biểu tại diễn đàn
“Việc Hội Khoa học Lịch sử phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức diễn đàn đối thoại Di sản Cố đô Huế với vấn đề bảo tồn và phát triển lần này, đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá khách quan về công cuộc bảo tồn và phát triển của vùng đất Cố đô, để từ đó có cách nhìn đúng đắn trong việc hoạch định chính sách phát triển của tỉnh cho hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.
Phát triển di sản trên vùng đất Cố đô
Toàn cảnh diễn đàn đối thoại Di sản Cố đô Huế với vấn đề bảo tồn và phát triển
PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định: Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế là hết sức khó khăn, không chỉ là vấn đề của khí hậu, thời tiết khắc nghiệt mà ở tính đa dạng của di sản cần phải bảo tồn. Trước điều kiện đặc thù của Huế, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nhân loại đặt ra những vấn đề khoa học- kỹ thuật vượt ra khỏi khả năng của một địa phương, thậm chí của cả quốc gia nên cần đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế trong tất cả các mặt hoạt động trên phạm vi thế giới.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các vấn đề như: Nét tinh hoa riêng có của văn hóa Huế; mở rộng mô hình xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa để huy động mọi nguồn lực; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế phải gắn với tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch văn hóa, tạo thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Việc gắn kết ý thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo có thẩm quyền với người dân Huế và khách du lịch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế.
Theo PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định: Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế là hết sức khó khăn.
Theo đó, một số kiến nghị về vấn đề bảo tồn và phát triển di sản Cố đô Huế cũng đã được nêu lên tại diễn đàn lần này như: Các di sản còn lại mang tính tiêu biểu trong cả nước có liên quan hoặc có nguồn gốc từ Cố đô Huế cần có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, nhân bản kể cả các di sản đã công nhận ký ức của nhân loại để phục vụ đầy đủ diện mạo văn hóa Huế.
Lên kế hoạch cho chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm điểm đến du lịch di sản cụ thể, rõ ràng để có thể thường xuyên làm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch di sản Huế.
Cần tìm sự hài hòa cho những khu phố trẻ sống chung bên cạnh di sản; giữ gìn và bảo tồn nét đẹp truyền thống, giá trị truyền thống của con người Huế, của văn hóa Huế từ đó biến nó thành nghệ thuật, thành bảo tàng sống một cách sinh động mà du khách mỗi khi đến Huế đều không thể bỏ qua.
Bài và ảnh Ng.Minh-P. Hoàng