ĐHĐCĐ MB: Quý I đạt lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng, dư nợ của Novaland và Trung Nam không đáng ngại
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của MB.
Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thận trọng
Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết, đến cuối năm 2023, tổng tài sản tập đoàn đạt gần 945.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 26.306 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với năm 2022, góp mặt trong Top 3 lợi nhuận toàn ngành. Riêng ngân hàng, lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 21,5% so năm ngoái, cho thấy đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động kinh doanh của MB.
Năm 2023, MB đã tận dụng tối đa được room tín dụng NHNN phê duyệt, tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng tăng 28,2%. Trong đó, dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%.
Năm nay, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%, con số cụ thể theo đó dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Lý giải con số tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch ngân hàng cho biết, trong năm 2023, NIM toàn ngành giảm, do đó dự kiến sẽ tác động đến 2024. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng dự kiến vẫn ở mức thấp.
"Tốc độ tăng trưởng quý 1 hàng năm thường ở mức 5-6% nhưng tới thời điểm này mới chỉ tăng 0,23%. Điều này cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm trong khi NIM giảm, áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên, do đó để an toàn, chúng tôi quyết định đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 6-8%, phấn đấu có thể đạt 10% trong năm nay", ông Thái nói.
Trong giai đoạn từ 2024 đến 2029, MB kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực hơn, trung bình khoảng 12%/năm.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,23 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024 và đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029.
Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn, trong khi mục tiêu trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.
Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng từ 15% đến 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 5 năm tới, MB đặt mục tiêu tín dụng trung bình đi lên 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.
Tới cuối năm 2024, MB đặt mục tiêu thu hút 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến là 10 - 20%, trong khi trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15 - 20%/năm.
Kịch bản này chưa tính đến trường hợp MB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung ĐHĐCĐ sau khi có quyết định của Chính phủ và NHNN.
Chia cổ tức tỷ lệ 20%
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, sau khi trích lập đầy đủ các quỹ, tổng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng còn lại là gần 18.952 tỷ đồng. MB dự kiến sẽ thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Trong đó, ngân hàng dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ chia là 5% và dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.
Bên cạnh việc tăng vốn thông qua chi cổ tức 15%, MB có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024 -2025. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.
Dư nợ của Novaland và Trung Nam không đáng ngại
Liên quan đến dư nợ cho vay bất động sản và mua ô tô, ông Lưu Trung Thái cho biết, ngân hàng chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu mua thực, không phải đầu cơ. Cho vay ô tô thì MB không phải là ngân hàng có thế mạnh trên thị trường, cho vay rất ít với tổng dư nợ chỉ chiếm 0,92%.
Về các khoản nợ của Novaland, Tổng giám đốc MB cho biết, năm ngoái ngân hàng đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng và hiện nay dư nợ không còn nhiều.
"MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, hơn nữa các vấn đề pháp lý tại các dự án ở Novaland cũng đang được giải quyết, tháo gỡ, dự kiến trong quý 2 này sẽ xong", Tổng giám đốc ngân hàng cho biết.
Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến việc ngân hàng mua trái phiếu của Novaland, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch ngân hàng cho rằng, trái phiếu bản chất là công cụ tài chính rất tốt, đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Do đó, quan trọng là đầu tư vào trái phiếu nào, của nhà phát hành nào và cách quản lý ra sao.
"Chúng tôi lựa chọn nhà phát hành là khách hàng để đầu tư trái phiếu thay vì cho vay trung dài hạn và quản lý dự án không khác gì cho vay trung dài hạn, đảm bảo dài hạn. Nhưng có điểm mạnh của đầu tư trái phiếu là dễ dàng chuyển nhượng. Đối với Novaland, cách thức chúng tôi tiếp cận vừa qua tốt là giảm nửa dư nợ và Novaland cũng đang được hỗ trợ pháp lý để tiếp tục dự án. Chúng ta có hàng triệu khách hàng và trên đường đi không tránh khỏi rủi ro, quan trọng là cách chúng ta tiếp cận và xử lý rủi ro như thế nào", ông Thái nói.
Với nhóm Trung Nam, MB có cho vay 3 dự án điện mặt trời. Trong 3 tháng vừa rồi đúng là có vấn đề dòng tiền về chậm nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và MB. Lãnh đạo MB khẳng định, đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại.
Quý 1 đạt lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc cho biết, dự kiến doanh thu tập đoàn đạt khoảng 12.000 tỷ, lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ngân hàng mẹ đạt hơn 9.700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 5.200 tỷ đồng.
Về hoạt động của công ty con MCredit, ông Lưu Trung Thái cho biết, năm 2023, MCredit vẫn có lãi khoảng 300 tỷ. Tình hình cho vay tiêu dùng năm 2023 là rất khó khăn hầu hết các công ty tài chính đều bị suy giảm lợi nhuận. Năm 2022 MCredit có ROE khoảng 40%, nhưng 2023 chỉ còn 8%, mặc dù MCredit đã hành động trước một bước, là dự báo cho vay tiền mặt khá nhiều rủi ro và chuyển sang cho vay dựa trên dữ liệu, có khả năng kiểm soát thông tin. Năm 2024, MCredit đang có những điều chỉnh chiến lược, thay vì cho vay tiền mặt thông thường, thông qua con người giảm quyết liệt mà dựa trên nền tảng dữ liệu. MCredit đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 cao hơn gấp đôi so với năm 2023.
Năm 2024, MCredit có điều chỉnh chiến lược, phát triển cho vay dựa trên nền tảng dữ liệu sẵn có. MCredit cũng điều chỉnh đối tác thu hồi nợ nên kết quả thu hồi nợ có điều chỉnh. Năm 2024 doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận cao gấp đôi 2023.
Cập nhật tiến trình nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, Chủ tịch MB cho biết, hiện ngân hàng đã hoàn thành xong đề án trình lên và chờ Chính phủ phê duyệt. Dự kiến năm 2024 hoặc 2025 thì xong chương trình.
Ngân hàng OCB: Cơ sở nào đặt mục tiêu lãi kỷ lục hơn 6.800 tỷ?
Ngày 15/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận lên mức cao nhất từ trước tới nay.
|
LPBank tiếp tục thay đổi phương án đổi tên, loại bỏ dấu ấn cổ đông lớn
Với phương án đổi tên mới nhất, dấu ấn của cổ đông lớn Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost) đã hoàn toàn không còn hiện diện tại LPBank.
|