ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên giành giải đặc biệt thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào
Tham dự vòng chung kết cuộc thi có: ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Vĩnh Long, các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học có các đội thi từ ba miền Bắc, Trung, Nam.
Về phía Lào có: Tham tán Văn hóa - Giáo dục Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Khamphanh Khamone; đại diện Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại thành phố Hồ Chí Minh; cùng đoàn đại biểu Bộ Giáo dục và Thể thao Lào…
Chung kết cuộc thi "Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam 2019" tại trường Đại học Thái Nguyên, tối 8/11. |
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Hiện nay có trên 16.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam, ở nhiều bậc học khác nhau trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực đào tạo mà nước bạn Lào đang rất cần cho công cuộc đổi mới, phát triển và hiện đại hoá đất nước.
“Mỗi lưu học sinh Lào khi trở về nước đều phát huy được kiến thức, kỹ năng đã học tập, rèn luyện tại Việt Nam và trở thành cầu nối cho tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam-Lào”, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Lần đầu tiên được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam năm 2019” có chủ đề “Việt Nam đất nước tôi yêu". Cuộc thi nhằm khuyến khích các lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam.
“Các em lưu học sinh Lào, với kiến thức, sự trải nghiệm và tình cảm của mình đối với Việt Nam sẽ dùng chính tiếng Việt để thể hiện những điều mà các em tâm đắc nhất. Tôi tin tưởng vòng chung kết sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cuộc thi nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt từ các bạn sinh viên khắp cả nước |
Vòng chung kết đã diễn ra với 12 bài hùng biện của 12 đội thi đến từ các trường trong cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các bài thi được các lưu học sinh trình bày tự tin với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú.
Trong phần thi của mình, bạn Phasathan Thipsavanh đến từ Đại học Cửu Long đã kể lại những kỷ niệm đáng nhớ của bản thân khi học tập và sinh sống tại Việt Nam: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là những ngày đầu tiên đi học tiếng Việt. Đó là những tháng ngày bỡ ngỡ trước một ngôi trường ở một đất nước xa lạ. Đó là những ngày nhớ nhà da diết nhưng không thể chạy về ngay. Đó là những ngày cùng bạn bè cố gắng đánh vần từng chữ a, b, c, để nuôi một ước mơ, một hy vọng là được học đại học ở Việt Nam”.
Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả là phần thi của Viphavady, sinh viên đại học năm cuối trường Đại học Giao thông vận tải. Viphavady cảm thấy rất vui và tự hào vì bản thân có cơ hội được tham dự cuộc thi, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm về đất nước Việt Nam – một đất nước mà bạn vô cùng yêu mến.
"Thời gian trôi qua rất nhanh, đến ngày hôm nay tôi đã sống tại Việt Nam được khoảng 5 năm. Tôi cảm thấy phần lớn người Việt Nam rất tích cực, chăm chỉ và sáng tạo. Con người Việt Nam rất thân thiện và mến khách. Tôi đã được đi nhiều quốc gia khác nhưng không ở đâu tôi nhận được nhiều tình cảm và sự quan tâm thương mến như ở đất nước này. Ở Việt Nam, tôi có cảm giác như đang sống trên chính quê hương của mình, thực sự đây là một cảm xúc rất khó để có thể diễn tả bằng lời", Viphavady chia sẻ trong bài hùng biện của mình.
Phần thi của Viphavady đến từ trường Đại học Giao thông vận tải. |
Chia sẻ bên lề, ông Trần Văn Tuý cho rằng, nâng cao việc học tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam là điều cốt lõi để củng cố tình hữu nghị Việt – Lào. Bởi phải giỏi tiếng Việt để tiếp thu được kiến thức, giỏi tiếng Việt để hiểu văn hoá Việt và giỏi tiếng Việt sẽ tạo sự gắn kết lâu dài với văn hoá, dân tộc, nhân dân Việt Nam. Qua đó sẽ kéo dài và củng cố tình hữu nghị hai nước.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Lào cũng cho biết, vòng sơ khảo ở cả 3 miền đã nhận được sự ủng hộ ngoài sức tưởng tượng. Có đến hàng trăm người cùng đi thi và cổ vũ, đặc biệt có những bạn ở những tỉnh rất xa cũng không ngại khó về nơi tổ chức để thi.
Phía Ban tổ chức đã tăng quy mô và giải thưởng cuộc thi so với dự kiến. Ông Trần Văn Tuý hy vọng, cuộc thi này sẽ trở thành cuộc thi thường niên để thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng tiếng Việt của lưu học sinh Lào.
Bạn Boun Soukhaluc đến từ trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại cuộc thi |
Chung cuộc, bạn Boun Soukhaluc đến từ trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại cuộc thi với bài hùng biện có chủ đề "Tình hữu nghị Lào - Việt".
Boun Soukhaluc cho biết bạn đã chuẩn bị cho bài dự thi của mình từ 1 tháng trước. "Dù kết quả như thế nào thì điều đáng quý nhất mà cuộc thi này đã đem lại cho tôi là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ tình cảm của mình với con người và đất nước Việt Nam. Cũng nhờ cuộc thi, tôi đã nhận ra tình cảm của các bạn sinh viên và thầy cô Việt Nam. Họ đã hỗ trợ hết mình để tôi có thể hoàn thành tốt phần thi của mình".
Đội thi trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh nhận giải nhất |
Giải nhất của cuộc thi thuộc về đội thi đến từ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.
Đội thi đến từ trường Đại học Ngoại thương, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Y dược - Đại học Huế giành giải nhì.
Giải ba thuộc về đội thi từ Học viên Ngoại giao, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Đại học Hồng Đức, Đại học Đồng Nai, Đại học Cửu Long, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.