Đến năm 2020, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với 500.000ha rừng
Ảnh minh họa
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị tỉnh, thành miền Trung, cùng với các tiến sĩ, cán bộ, thành viên tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, phát biểu, hội thảo nhằm góp ý vào dự thảo Bộ chiêu chuẩn quản lý rừng Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm quản lý rừng bền vững, từ đó nâng cao năng lực quản lý rừng. Xây dựng các mô hình Hợp tác xã lâm nghiệp quản lý rừng bền vững điểm để nhân rộng.
Hội thảo khu vực về quản lý và bảo vệ rừng. (Ảnh: Nguyễn Trang)
Theo đó, dự thảo Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng Việt Nam gồm 9 nguyên tắc, 40 tiêu chí, 150 chỉ số đề xuất. Trong đó, tiêu chí chủ rừng phải tuân thủ các quy định về quản lý và bảo vệ rừng trong phạm vi quản lý của đơn vị, không để xảy ra những vi phạm về khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản, lấn chiếm rừng và đất rừng, phá rừng, cháy rừng và săn bắt động vật hoang dã trái phép. Chủ rừng thực hiện kiểm tra, phát hiện các hoạt động trái phép trên diện tích rừng được giao quản lý.
Trong nguyên tắc “Phương án quản lý bền vững”, chủ rừng và người lao động, kể cả nhà thầu, phải được đào tạo để đảm bảo tốt việc xây dựng và thực hiện quản lý rừng, phương án quản lý rừng bền vững phải được xây dựng tối thiểu cho 5 năm đầu tiên và cập nhật, điều chỉnh cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.
TS. Lưu Cảnh Trung - Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh rằng, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Tại Việt Nam có các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị - Phú Yên được xem là trung tâm rừng sản xuất lớn toàn quốc, ngoài ra, còn có các rừng nguyên liệu giấy như tại Yên Bái, Tuyên Quang,…
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 - 2020, phấn đấu đạt mục tiêu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với 30% diện tích rừng sản xuất vào năm 2020. Như vậy, đến năm 2020, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với 500.000ha rừng, trong đó có 350.000ha rừng trồng và 150.000ha rừng tự nhiên. Do vậy, việc ban hành Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng Việt Nam là rất cấp thiết.
Đồng thời, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cũng đưa ra các kết quả nghiên cứu và chuyển giao các cây rừng nổi bật. Trong đó, keo lai được xem là cây trồng chủ lực ở nước ta với diện tích trồng rừng ước tính đến năm 2016 vừa qua là 520.000ha. Cũng từ năm 2010 đến nay, Viện đã sản xuất và cung cấp gần 2 triệu mô đầu dòng keo và bạch đàn cho các vườn ươm trên cả nước để xây dựng vườn cây đầu dòng sản xuất ươm.
Theo Sài Gòn Giải Phóng