Đến Gia Lai chứng kiến Lễ hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya
Đây là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá các danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn, các hoạt động văn hóa, lịch sử cũng như hình ảnh đất và người Chư Păh đến với du khách, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện; đồng thời kêu gọi đầu tư, từng bước đa dạng các loại hình du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Đặng Công Lâm, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, đây là một trong những nội dung nằm trong Festival Văn hoá công chiêng Tây Nguyên 2018. "Công tác vệ sinh, thu gom rác thải luôn được chú trọng để không gian lễ hội luôn sạch sẽ, văn minh", ông Lâm nói.
Theo kế hoạch, lễ hội sẽ gồm nhiều hoạt động như trình diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, giã gạo, dệt thổ cẩm... Một trong những nét mới trong hoạt động của lễ hội năm nay là tổ chức bay dù lượn trên cao miệng núi lửa Chư Đăng Ya để ngắm hoa dã quỳ. Đây là ý tưởng của câu lạc bộ dù lượn Hà Nội. Theo đó, ước tính sẽ có khoảng 20 phi công dù lượn từ 3 miền sẽ hội tụ về biểu diễn tại lễ hội.
Hoa dã quỳ nở vàng thu hút nhiều du khách và các nhiếp ảnh gia.
Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch sôi nổi, đặc sắc như: thi và trình diễn nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Păh; hội thi “Ảnh đẹp Chư Păh”, sáng tác thơ, bài hát về Chư Păh; hội thi chinh phục đỉnh núi Chư Đang Ya năm 2018; hội thi “tiếng hót chim chào mào”; trưng bày ảnh đẹp Chư Păh, tượng nhà mồ và nhạc cụ dân tộc; trưng bày những tác phẩm văn hóa, lịch sử, sách hay về Gia Lai; chương trình giao lưu văn nghệ, biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, kể khan, hát dân ca…
Ngoài ra, tại lễ hội cũng sẽ phục dựng nguyên bản Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai. Bên cạnh đó là các hoạt động thể thao như: đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co; trò chơi đi tìm mật thư trên núi; hội thi vừa đi vừa nấu khoai lang, đội nước về làng, thi nướng cơm lam, nướng gà…
Để Lễ hội hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 diễn ra thành công, huyện Chư Păh chỉ đạo các ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ cơ sở vật chất đến nội dung chương trình. Các xã, thị trấn đang khẩn trương lựa chọn những nghệ nhân tiêu biểu ở các lĩnh vực như: cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… để tham gia các hoạt động tại lễ hội. Đồng thời, xã Chư Đăng Ya tiếp tục định hướng và tuyên tuyền nhân dân bảo vệ cây hoa Dã quỳ; khuyến khích người dân trồng thêm hoa ở dọc các tuyến đường đi lên núi và những cánh đồng canh tác hoa màu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng nhiều hoạt động mới mẻ, độc đáo, Lễ hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh minh họa: KT.
Núi lửa Chư Đăng Ya cách TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai chừng 30km về hướng bắc. Núi lửa ở đây đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm nay nhưng nham thạch đã tạo cho vùng đất này những lớp đất bazan phì nhiêu, màu mỡ, mang lại nhiều sản vật khác nhau tùy theo mùa. Trong đó, Chư Đăng Ya được biết đến là thiên đường của Dã quỳ - loài hoa tượng trưng cho sự mãnh liệt, chung thủy trong tình yêu. Hiếm có nơi nào Dã quỳ mọc nhiều, tươi tốt và nở rộ như ở Chư Đăng Ya. Hoa mọc hai bên đường, trên các lối đi, ven hồ, ven suối, khoe sắc trên sườn núi tạo thành những thảm vàng trải dài đến vô tận.
Chư Đăng Ya, theo tiếng của người J'rai có nghĩa là củ gừng dại. Ngày nay, nơi đây còn mang dấu tích của núi lửa từng hoạt động hàng triệu năm với miệng núi hình phễu, những viên nham thạch lẫn trong đất đỏ bazan màu mỡ. Đến đây vào khoảng tháng 11, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh đẹp mắt khi hoa dã quỳ nở rộ ở khắp các con đường đất đỏ, phủ một màu vàng ấn tượng.
V.H (t/h)