Đến 30/3, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới gần 485 triệu ca
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, đến 6h ngày 30/3, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 484.833.728 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 6.155.295 ca tử vong.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 418 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 59 triệu ca. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.430.300 và 3.556 ca tử vong mới.
Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 347.374 ca; Đức đứng thứ hai với 237.858 ca; tiếp theo là Pháp 217.480 ca. Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 419 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 339 ca và Đức với 331 ca.
Người dân đi lại trên Quảng trường Thời Đại ở New York (Mỹ), ngày 28/3/2022. (Ảnh: Xinhua) |
Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 81.685.002 ca nhiễm và 1.005.051 ca tử vong vì Covid-19 ở thời điểm hiện tại. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.023.010 ca nhiễm, bao gồm 521.131 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.882.397 ca bệnh và 659.241 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 177,2 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 138,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 96,4 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,7 triệu ca và châu Đại Dương gần 5,3 triệu ca nhiễm.
Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 11.871 ca nhiễm mới và 25 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 30/3 lần lượt là 11.709.435 và 252.536 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.715.390 ca nhiễm Covid-19 và 99.976 ca tử vong vì dịch bệnh.
Châu Đại Dương có thêm 78.321 ca nhiễm Covid-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 60.248 ca. Hiện khu vực này có tổng số 5.283.955 trường hợp ca mắc Covid-19, với 8.789 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 4.386.542 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 627.898 ca.
Sau hai năm ứng phó, ngày càng nhiều nước trong khu vực nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để hướng tới cuộc sống bình thường mới. Điển hình là Tây Ban Nha bước sang giai đoạn mới trong chiến lược ứng phó với đại dịch Covid-19, trong đó chính phủ quyết định dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế từng được áp dụng để phòng dịch. Theo đó, Covid-19 sẽ được coi là bệnh đặc hữu tại quốc gia châu Âu này.
Trước sự lo ngại về sự lây lan của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron vốn đang là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước, ngày 29/3, Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech và của Moderna để tiêm mũi thứ 4 cho những người trên 50 tuổi do quan ngại hiệu quả miễn dịch suy giảm trong nhóm đối tượng này.