Đề xuất xây nhà ở xã hội chỉ cho thuê
TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng ngày 16/3, TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Đây là thời điểm rất chín muồi để chúng ta thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội".
Theo ông Cường, hiện nay cầu về thị trường nhà ở căn hộ rất sôi động. Nếu chúng ta phát triển được nhà ở xã hội trong gia đoạn này thì có tác động rất lớn, lan tỏa đến sự bình ổn, cân bằng thị trường bất động sản.
Đây cũng là thời điểm các nguồn tài trợ về vốn cho phát triển các dự án bất động sản nói chung, đặc biệt là bất động sản về nhà ở xã hội là khá dồi dào. Chúng ta không lo sự cạnh tranh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, nếu chúng ta thúc đẩy phát triển mạnh nhà ở xã hội sẽ tạo ra sự lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Cường đề nghị cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những người có thu nhập thấp hay chúng ta giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.
"Tôi cảm nhận rằng trong thời gian vừa qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội đang hướng giải quyết nhu cầu về nhà ở thu nhập thấp nhiều hơn là hỗ trợ giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở cho người thu nhập thấp", ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, với người thu nhập thấp, việc trang trải cuộc sống cũng đã khó khăn thì làm sao có tiền tiết kiệm, tích lũy để trả tiền lãi, trả tiền vốn vay.
"Tôi có nghe được phát biểu của một đại diện doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội nói rằng sau một thời gian kiểm lại thì đến 80% số người mua không còn ở đấy nữa và người ta bán lại. Vậy rõ ràng trong điều kiện người ta có thu nhập thấp thì trước tiên họ phải tìm cách lo cuộc sống", ông Cường nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh cần quan tâm nhiều hơn đến chương trình phát triển nhà ở xã hội cho thuê với những điều kiện ưu đãi khác biệt hơn so với các chương trình hiện nay.
Thứ nhất, liên quan đến vị trí phát triển nhà ở xã hội, chúng ta hiện nay đang đưa nhà ở xã hội đến vị trí nó khá xa so với trung tâm của tỉnh, thành phố. Trong khi đó, phương tiện đi lại không có, mất thời gian di chuyển nên người ta không muốn đi xa. Trong chương trình nhà ở xã hội, chúng ta dành có 2% cho thuê nhưng mà lại ở xa nên người ta sẽ không thuê. Người ta sẵn sàng thuê nhà với giá cao hơn, chật hơn nhưng gần chỗ làm việc, gần nơi con cái học hành và những dịch vụ vượt trội khác ở trung tâm.
Do vậy, ông Cường đề nghị phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê. Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở.
Về nguồn vốn vay, theo ông Cường, cần sử dụng nguồn vốn vay thật ưu đãi. Chẳng hạn nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội vay dài hạn với lãi suất thấp. Nếu doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư để cho thuê thì tiền thuê không đủ tiền vận hành chứ không nói đến việc thu hồi vốn đầu tư.
Ông Cường cho rằng vốn này phải là vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc thậm chí là vốn nhà nước. Như vậy mới giải quyết được một phần nhu cầu chỗ ở và đương nhiên chúng ta vẫn phải phát triển chương trình thứ 2 là đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng mua được nhà. "Tôi nghĩ chương trình này nên dành 50% cho thuê và 50% cho mua", ông cường đề xuất.
Thứ hai, về hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Theo ông Cường, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội do vậy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung.
Tuy nhiên, vị chuyên gia đề nghị đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với nhóm này. Bởi vì, dự án phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt thì đương nhiên được cho vay không cần xem các điều kiện nào khác nữa và chúng ta cho vay theo lộ trình của dự án, không sợ nguồn vốn đó thất thoát.
"Việc hỗ trợ lãi suất thấp hơn 1,5-2% tôi cho rằng không có nhiều ý nghĩa mà phải cam kết mức lãi suất cụ thể là bao nhiêu, ví dụ cam kết lãi suất cho vay 7-8% để doanh nghiệp chủ động", ông Cường nói.
Ngoài ra, phải dùng ngân sách để hỗ trợ chương trình này. Chúng ta hiện có gói chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 43 nhưng hầu như không giải ngân được. "Tôi xin đề nghị Chính phủ là đợt này Quốc hội đang giám sát thực hiện Nghị quyết 43, chúng ta đề nghị chuyển gói 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 43 sang chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp. Như vậy chúng ta đạt được đúng mục tiêu có dự án, đúng đối tượng, không sợ cho vay sai", ông Cường nêu.
Ông cường cũng đề nghị tăng thời hạn cho vay đối với dự án này, đảm bảo ít nhất đủ một chu kỳ cho doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.
Doanh nghiệp bất động sản đề xuất giảm thêm lãi suất để tạo điều kiện phục hồi Cho rằng sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá lớn, đại diện Sungroup đề xuất cần thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. |
Nhiều dự án bất động sản lớn ở quận Hồ Tây được duyệt kế hoạch sử dụng đất Theo phê duyệt, danh mục các công trình, dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 gồm 75 dự án với diện tích 319,18ha; trong đó có nhiều dự án bất động sản lớn. |