Đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án 1 triệu nhà ở xã hội
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VGP |
Báo cáo tóm tắt việc phát triển nhà ở xã hội tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra sáng nay (16/3), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. So với báo cáo năm 2020 (3.359ha), diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252ha.
Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.
Trong đó, 72 dự án với 38.128 căn đã hoàn thành; 129 dự án với gần 115.000 căn đã khởi công xây dựng và 298 dự án với hơn 258.000 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh nhiều địa phương tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy xây nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Cụ thể, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có 7 dự án với gần 5.000 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%...
Hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...)
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Dù bước đầu có kết quả, song lãnh đạo Bộ xây dựng cho rằng việc giải ngân như vậy còn chậm.
Nêu hạn chế, ông Sinh chỉ rõ cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
Một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng tỷ lệ đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 thấp, như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Về nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội, ông Sinh lý giải gói 120.000 tỷ đồng chưa được giải ngân hiệu quả do việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế.
Đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng, nhưng mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng. Lãi suất và thời gian hưởng lãi suất đều chưa thực sự thu hút người vay.
Đề xuất giảm lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.
Để hoàn thành mục tiêu được giao, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.
Với các địa phương, đề nghị rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Sinh, cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng, để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Bô Xây dựng yêu cầu báo cáo việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội Các nội dung báo cáo bao gồm: công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, điều tiết bất động sản tại địa phương; các hình thức phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội, nguồn cung và giao dịch bất động sản... |
Gói tín dụng 120.000 tỷ dành cho nhà ở xã hội đã giải ngân được hơn 410 tỷ đồng Tính đến ngày 5/2 đã có 5 dự án tại 5 địa phương gồm Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn và An Giang được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng. |