Để xảy ra cháy nổ nhiều trên địa bàn, người đứng đầu sẽ bị xử lý
Nhiều địa phương thiệt hại nặng do cháy
Theo báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 81 người. Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra hơn 2.040 vụ cháy, nổ làm chết 68 người. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù số vụ cháy lớn chỉ chiếm 0,94% tổng số vụ song lại chiếm gần 63% tổng thiệt hại (ước tính 819,2 tỷ đồng)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC và CNCH vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây tình hình cháy, nổ liên tục diễn biến phức tạp, xảy ra một số vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình là vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP.Hồ Chí Minh làm chết 13 người, 51 người bị thương.
Một vụ cháy ở Bắc Giang đầu năm 2018.
Tại tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay xảy ra 28 vụ cháy làm 2 người bị thương, gây thiệt hại gần 13 tỷ đồng (so với cùng kỳ giảm 6 vụ, giảm 12,3 tỷ đồng thiệt hại). Đơn cử như vụ cháy tại xã Dĩnh Trì, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang vào ngày 8/1. Theo đó, do bất cẩn trong lúc đốt rác mà người dân đã vô tình để lửa bén ra chỗ để lốp xe gây cháy. Rất may vụ hỏa hoạn không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều vụ cháy mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc ý thức của người dân chưa cao như kho thịt cá nhưng quên tắt bếp…
Tại Hà Giang, từ năm 2013 đến nay xảy ra 391 vụ cháy, làm 6 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 50 tỷ đồng. Để hạn chế tình trạng cháy nổ, địa phương này đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.
Nhân rộng các mô hình PCCC hiệu quả đồng thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng phương án chữa cháy; tổ chức các đợt diễn tập; thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về PCCC.
Tại Lạng Sơn, từ ngày 15/4 – 30/6, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra được 329 lượt cơ sở; qua kiểm tra kịp thời phát hiện, hướng dẫn các cơ sở khắc phục 545 tồn tại, thiếu sót về PCCC.
Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí cơ sở đạt chuẩn về PCCC đối với các loại hình nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, tàu du lịch, cơ sở trong khu công nghiệp; phê duyệt kế hoạch cải tạo xây dựng chung cư cũ bị hỏng, xuống cấp giai đoạn 2016-2021.
Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều nội dung nhằm nâng cao mức độ an toàn PCCC các tàu, chỉ đạo các ngành, Công an tỉnh phối hợp với UBND TP.Hạ Long quyết liệt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với tàu du lịch, kiên quyết dừng hoạt động các tàu không đảm bảo an toàn. Kết quả, từ đầu năm 2018 đến nay, đã hạn chế không để xảy ra các sự cố cháy tàu du lịch.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, các vụ cháy gây thiệt hại lớn tập trung nhiều ở khu vực thành thị, trong đó chủ yếu là cháy nhà dân, cơ sở kinh tế tư nhân. Tại một số địa phương, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng ngừa còn hạn chế, có nơi vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” nhiệm vụ này cho lực lượng cảnh sát PCCC.
Phó Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.
Cùng với đó, số lượng cơ sở, công trình thực hiện PCCC ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho lực lượng chức năng; chế tài xử phạt trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh nên nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục các lỗi vi phạm; việc đình chỉ, tạm đình chỉ đối với nhà chung cư, công trình cao tầng vi phạm PCCC gặp khó do ảnh hưởng đến nơi ở, sinh hoạt của người dân…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để tạo chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và CNCH cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý Nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các địa phương trong chỉ đạo công tác PCCC và CNCH.
Trong quá trình thực hiện phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, quan tâm xây dựng lực lượng PCCC gắn với đầu tư mua sắm trang thiết bị, bảo đảm ngày càng chính quy, tinh nhuệ, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có cháy... Đặc biệt, phải xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cùng giám sát việc chấp hành. Nơi nào để xảy ra cháy lớn, người đứng đầu các tỉnh, TP. phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự phòng, tự bảo vệ và tham gia PCCC và CNCH trong nhân dân. Trước mắt, Bộ Công an sớm tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác PCCC đối với khu dân cư; Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi những tồn tại, bất cập trong công tác đầu tư, xây dựng và quản lý, vận hành các dự án, công trình.
Xuân Hòa