Đền Củi - Nơi gửi gắm ước nguyện Tâm linh
Từ cầu Bến Thủy 1 theo QL1A đi về hướng Nam 4km rẽ phải, đi tiếp khoảng 200m nữa sẽ thấy dưới chân núi Ngũ Mã là một ngôi Đền cổ kính lấp ló trong vườn cây cổ thụ. Đây là Đền Củi thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ xa xưa Đền Củi là một địa danh văn hóa, tâm linh của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.
Cổng chính của đền Củi
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dòng chảy thời gian, Đền Củi vẫn luôn được gìn giữ, tôn tạo và song hành cùng lịch sử dân tộc. Để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của ngôi Đền, tìm gặp ông Nguyễn Sỹ Quý - người quản lí trực tiếp ngôi Đền và là đời thứ 6 thay ông, cha mình gìn giữ ngôi Đền cổ linh thiêng này. Theo ông Quý: Đền Củi có rất lâu phải trên 500 năm trở lên, trước Đền có tên là Linh Từ Thánh Mẫu nhưng đến 18/01/1993 được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 57/QĐ-VH xếp hạng là “Di tích lịch sử - văn hóa” cấp Quốc gia. Đền gắn liền với địa danh chợ Củi nên từ đó đã được đổi tên thành Đền Củi, khuôn viên Đền Củi rộng 1040m2, thờ chính là Ông Hoàng Mười, bên cạnh đó còn thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Phật, Chúa, Năm Vị Quan Lớn, Chầu Mười và Hưng Đaọ Đại Vương, mỗi vị được thờ đều được gắn liền với một nhân vật lịch sử. Ví như ông Hoàng Mười, trong tâm thức của người dân, ông là hiện thân của Lê Khôi, vị tướng của nghĩa quân Lam Sơn, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, làm quan lớn trải qua 3 đời vua nhà Lê là: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông.
Tam tòa thánh mẫu đã được trùng tu hoàn chỉnh
Tòa điện cao dần theo thế núi uy nghiêm và trong ngút ngàn màu xanh của vuờn cây cổ thụ, ngoảnh mặt ra sông Lam tạo ra, tạo nên một không gian vừa huyền ảo, linh thiêng, thanh bình và gần gũi. Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc “Lưỡng Long Chầu Nguyệt" với những đường nét điêu khắc tinh tế. Nhưng theo thời gian và trải qua các cuộc chiến tranh tàn phá Đền Củi đã xuống cấp trầm trọng. Truớc những lo lắng sẽ xảy ra sự cố khi du khách thập phương về Đền thắp hương và nguyện vọng người cha của ông Quý (ông Nguyễn Sỹ Quýnh) mà cả đời cũng gắn bó, gìn giữ ngôi Đền, muốn tu sửa ngôi Đền được khang trang hơn mà trên hết là sự an toàn của du khách thập phương khi đến với chốn linh thiêng này.
Cung thờ đức ông Trần Triều
Gia đình ông Quý đã gửi văn bản tới các cấp chính quyền mong tạo điều kiện được tu sửa. Đến đầu năm 2015 thì đã có quyết định được tu sửa nhưng phải làm đúng hiện trạng cũ của ngôi Đền, khởi công ngày 12/4/2015 (âm lịch) với tổng kinh phí dự toán lên tới hơn 13 tỷ. Trong đó, các gia đình đóng góp có: ông Nguyễn Sỹ Quý, ông Nguyễn Sỹ Hóa, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết và ông Nguyễn Sỹ Trung, còn thiếu thì gia đình đang vay ngân hàng 6 tỷ. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp của các bản hội như: bàn thờ, cửa vọng...
Ông Quý còn cho biết thêm, tiền công đức của mấy năm qua còn hơn 3 tỷ nhưng ông không lấy vào dùng mà ông muốn để dành số tiền đó cho việc tu sửa bãi đỗ xe phía trước vào tháng 4 sắp tới để thuận lợi cho phương tiện của du khách thập phuơng khi đến thắp nén nhang và tham quan Đền.
Tiếp xúc với du khách Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), chị chia sẻ: Hàng năm chúng tôi đều về đây xin lộc đầu năm và tạ lễ cuối năm nhưng từ năm 2016, thật may mắn hơn khi ngôi Đền được tu sửa khang trang, sạch đẹp mà không mất đi vẻ đẹp linh thiêng vốn có.
Để được tu sửa các Ban ngành đã đến thẩm định từng chi tiết xem những vật dụng nào còn sử dụng được, cái nào phải thay mới nhưng bắt buộc phải đúng nguyên bản ban đầu.
Gia đình ông Quý bao đời nay là những người có công trong việc gìn giữ và phát huy một di tích lịch sử văn hóa tâm linh.
Kính mong các cấp chính quyền, các Sở, Ban ngành, các Mạnh thường quân, các Nhà hảo tâm cùng chung tay để gìn giữ ngôi đền linh thiêng này.
Các ngày lễ lớn của Đền Củi:
Ngày 3/3 (âm lịch): Giỗ Đức Thánh Mẫu
Ngày 20/8 (âm lịch): Giỗ Trần Hưng Đạo Đại Vương
Ngày 10/10 (âm lịch): Giỗ Đức Thánh Hoàng Mười
Cẩm Tú - Mùi Phạm