Đây là cách Israel đứng đầu thế giới về khởi nghiệp sáng tạo: Mời người tài từ DN tư nhân vào lãnh đạo cơ quan nhà nước
Xét theo phần trăm GDP, Israel dành nhiều ngân sách nhất cho R&D trên thế giới với khoảng 4,5%, cao hơn rất nhiều mức bình quân 2,2% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng như cao hơn rất nhiều quốc gia có cùng mức GDP trên toàn cầu.
Theo Cơ quan sáng tạo Israel (IIA), nguồn ngân sách trên được sử dụng chủ yếu để chính phủ chia sẻ các rủi ro về tài chính với những startup. Bằng việc cùng đầu tư vào công nghệ cùng các doanh nghiệp tư nhân, Israel đã chia sẻ bớt gánh nặng cũng như rủi ro khi đổ tiền vào các startup, qua đó nuôi dưỡng được một nền tảng công nghệ cũng như vườn ươm khởi nghiệp phát triển.
Tính đến tháng 4/2015, Bộ Kinh tế Israel đã hỗ trợ cho 20 startup bằng cách đầu tư 7 tỷ USD cho mỗi 1 tỷ USD gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân. Như vậy, mảng tư nhân chỉ chiếm 15% tổng số vốn đầu tư cho khởi nghiệp ở Israel nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng trong giai đoạn sau của doanh nghiệp khi các dự án thành công.
Trên thực tế, hầu hết các dự án khởi nghiệp đều sẽ được bán cho khối tư nhân hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2014, tổng giá trị các startup Israel bán cho những công ty lớn hơn đạt mức cao kỷ lục 15 tỷ USD.
Rõ ràng, chính phủ là người dẫn dắt thị trường khởi nghiệp nhưng mảng tư nhân mới là những người chơi dài hạn sau cùng.
Chủ tịch IIA, ông Avi Hasson cho biết mặc dù hầu hết các dự án khởi nghiệp đều thất bại nhưng chính phủ lại thành công trong việc đóng góp, thúc đẩy phát triển sáng tạo, thu được nhiều kinh nghiệm và điều này là đáng giá. Bởi vậy, Israel luôn tập trung ngân sách đầu tư vào những startup sáng tạo nhiều rủi ro nhất. Thêm vào đó, việc chính phủ chia sẻ rủi ro với tư nhân sẽ kích thích làn sóng đầu tư vào công nghệ, tạo nên một thị trường khởi nghiệp khỏe mạnh và phát triển cho dài hạn.
Tại Israel, IIA điều phối và chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp tư nhân bằng cách hỗ trợ tài chính, không gian cho các dự án và tránh đường để các cá nhân, tổ chức làm việc với nhau. Nói cách khác, dù bỏ vốn nhiều nhưng chính phủ chủ yếu có trọng trách “làm mối” cho nhà đầu tư tư nhân với startup.
Theo ông Hasson, không có đầu tư nào bền vững hơn đầu tư vào R&D bởi khi chúng tạo được ảnh hưởng đến nền kinh tế, giá trị của những khoản đầu tư này sẽ tăng 5-10 lần xét theo % GDP. Hơn nữa, nếu chính phủ tạo ra được cơ chế cũng như đi đầu chia sẻ rủi ro với khối tư nhân, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ hưởng ứng, qua đó thúc đẩy một nền khởi nghiệp phát triển khỏe mạnh lâu dài.
Vai trò của khối tư nhân trong quản lý
Một trong những điểm nổi trội của khối tư nhân trong ngành kinh tế nói chúng và mảng công nghệ nói riêng của Israel là nhân lực, đặc biệt là những lãnh đạo cấp cao.
Thông thường, những người tài được đào tạo và thử thách trong môi trường kinh tế tư nhân sẽ có đủ khả năng để đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan quản lý, chính phủ liên quan đến ngành nghề mà họ am hiểu.
Ví dụ điển hình là ông Avi Hasson, Chủ tịch của IIA. Người đàn ông 46 tuổi giám sát quỹ 450 triệu USD chuyên đầu tư hỗ trợ cho các startup ở Israel này đã từng là nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Gemini Israel Funds. Với kinh nghiệm 20 năm trong mảng tư nhân, từng làm việc tại cả Boston-Mỹ lẫn Israel, ông Hasson có khá nhiều kinh nghiệm về đầu tư, khởi nghiệp cũng như kinh tế của giới công nghệ.
Ông Avi Hasson
Đặc biệt hơn, người đàn ông này từng là thành viên của biệt đội Unit 8200, nơi chuyên tuyển chọn và đào tạo những tài năng công nghệ trẻ, được mệnh danh là vườn ươm khởi nghiệp của Israel. Nhờ đó, ông Hasson có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người trong giới khởi nghiệp cũng như tạo được một mạng lưới liên kết rộng trong lĩnh vực này.
Trước ông, cả 7 vị chủ tịch tiền nhiệm đều là những chuyên gia từng hoạt động trong mảng kinh tế tư nhân và chưa có kinh nghiệm điều hành cơ quan nhà nước trước khi công tác tại IIA.
Không những vậy, vị CEO mới của IIA là ông Aharon Aharon cũng từng là CEO của Apple tại Israel. CEO Aharon cũng từng là thành viên của Unit 8200 và từng làm qua khá nhiều công ty công nghệ tư nhân như IBM, Zoản Corporation cũng như đã xây dựng và bán thành công 2 startup.
Thông thường, do các lao động của mảng tư nhân có hiệu suất lao động cũng như tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn khối hoạt động công nên nếu các chính phủ tận dụng được nguồn lực này cho nhà nước thì sẽ đem lại hiệu quả tích cực.
Tại Israel, việc các nhà quản lý của khối tư nhân chuyển sang làm cho cơ quan nhà nước không nhiều nhưng lại là truyền thống ở IIA.
Xét đến cơ quan này, IIA nổi tiếng thế giới khi trở thành nơi thúc đẩy chính của nhiều dự án khởi nghiệp. Trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” năm 2009, tác giả Saul Singer thừa nhận rằng nhiều quốc gia đã cố gắng học tập mô hình của Israel cũng như theo dõi cách làm việc của IIA để có thể phát triển thị trường khởi nghiệp.
Ông Aharon Aharon
Tờ Financial Times cho biết từ Đông Nam Á cho đến Châu Âu, nhiều quốc gia đổ rất nhiều tiền đầu tư cho công nghệ cũng như học hỏi Israel nhưng có vẻ họ vẫn chưa thực sự thành công và nguyên nhân chủ yếu có lẽ nằm ở nhân lực cũng như quản lý.
Trong khi Israel tận dụng được nguồn nhân lực tư nhân thì nhiều quốc gia vẫn chưa biết kết hợp 2 mảng này lại với nhau. Thậm chí nhiều nước tập trung quá nhiều vào nguồn vốn ngân sách hoặc phụ thuộc hết vào đầu tư nước ngoài, khiến thị trường khởi nghiệp phát triển không bền vững.
AB